11h44 ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo TP.HCM. Thủ tướng đã lắng nghe báo cáo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và 12 ý kiến của bộ, ban, ngành, địa phương. Theo Thủ tướng, những kiến nghị thể hiện nhu cầu cấp bách và trách nhiệm của thành phố. Trước buổi làm việc, thành phố đã gửi tài liệu rất đầy đủ cho lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP và tổng ngân sách. Thời gian qua, thành phố cũng đạt được những thành tựu quan trọng về hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng đặc biệt biểu dương thành quả kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 mặc dù TP.HCM là địa phương có nguy cơ cao. "Giờ này chúng ta có thể ngồi họp ở đây chứng tỏ thành quả chống dịch của TP.HCM", Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định TP.HCM đã đạt được mục tiêu kép nhưng Thủ tướng lưu ý lãnh đạo TP tiếp tục cảnh giác với các nguy cơ lây nhiễm. "Cương quyết không để dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM", ông nói.
TP.HCM đề xuất nhiều vấn đề trong cuộc làm việc với Thủ tướng sáng 13/5. Ảnh: Thuận Thắng. |
Nguồn ngân sách rất lớn nhưng TP.HCM còn bỏ sót
Trước đó, lúc 8h, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM bằng một phát biểu ngắn. Thủ tướng cho biết sau khi kiện toàn Chính phủ theo kết quả của kỳ họp Quốc hội khóa XIV, TP.HCM là địa phương đầu tiên Chính phủ làm việc cùng. Cùng tham dự với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, và đại diện các bộ, ngành.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng đánh giá báo cáo của thành phố tương đối đầy đủ, phong phú. Ngoài báo cáo trình bày 12 trang tóm tắt, TP.HCM còn có báo cáo toàn diện 14 trang cùng nhiều tài liệu kèm theo.
Thủ tướng cho biết trước khi vào TP.HCM, Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành đã họp nhiều lần và bàn bạc kỹ lưỡng. Trước buổi làm việc một ngày, Chính phủ cũng đã gửi thành phố về các ý kiến thảo luận của Chính phủ. Với các vấn đề băn khoăn, thành phố có thể tiếp tục đưa ra thảo luận.
"Tinh thần là nội dung nhiều phong phú, chất lượng đòi hỏi cao, thời gian có hạn, nếu tập trung làm được buổi sáng thì tốt. Đề nghị tập trung trí tuệ, suy nghĩ, cùng bàn bạc cố gắng kết thúc càng sớm càng tốt. Đề nghị phát biểu ngắn gọn, trực tiếp, không phân tích nhiều vì đã bàn rồi. Do đó, thấy được nói được, thấy chưa được thì giải thích", Thủ tướng quán triệt ngay từ đầu buổi làm việc.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu ra nhiều mô hình phát triển hạ tầng thành công. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chia sẻ tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định cần đầu tư cho TP.HCM mạnh hơn nữa để tạo động lực cho các địa phương khác đi lên. Ông Thành cho rằng ngân sách Trung ương nên tăng cường thêm cho thành phố để làm nguồn lực đầu tư hiện đại hóa, mở rộng không gian đô thị.
Về tỷ lệ điều tiết ngân sách, ông chia sẻ tỷ lệ ngân sách để lại của TP.HCM thấp hơn so với bình quân một triệu dân. Do đó, ông đồng tình nên có chủ trương tăng đầu tư cho TP.HCM.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng TP.HCM cần khai thác thêm các nguồn lực hiện có. "Nguồn ngân sách rất lớn nhưng hình như còn bỏ sót. Hiện nay một số địa phương có nguồn thu lớn từ phí cảng biển. Ví dụ, Hải Phòng vừa rồi thu hơn 10.000 tỷ đồng. TP.HCM bắt đầu thu từ tháng 7 thì từ chỗ này nên rà soát nguồn thu", ông Thành kiến nghị.
Về phương pháp, cách thức triển khai kết cấu hạ tầng, ông Thành dẫn chứng Quảng Ninh đã làm rất tốt. Nhiều địa phương đi đầu trong phát triển hạ tầng đang dùng ngân sách của mình để giải phóng mặt bằng, còn lại kêu gọi đầu tư PPP (đối tác công tư). Trước sự thành công của mô hình này, Phó thủ tướng cho rằng các dự án giao thông của TP.HCM cũng nên áp dụng vừa kết hợp đầu tư công, vừa kết hợp xã hội hóa nguồn lực. Nhưng chủ yếu, địa phương phải lo được việc giải phóng mặt bằng, còn lại là PPP.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: TP.HCM chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội của TP, đặc biệt tập trung vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định đây là cuộc chiến thực sự, thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển dài hạn. Trong chiến lược phòng, chống Covid-19, ông Phong cho rằng giữa phòng ngự và tấn công thì tấn công là chính.
Từ thời điểm bùng phát dịch trở lại, TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đối với nhóm nguy cơ cao ở bệnh viện, cơ sở tôn giáo, khu công nghiệp, khu dân cư. Cho đến nay, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, vẫn còn hàng nghìn mẫu đang chờ. TP.HCM cũng đề xuất chủ động mua vaccine từ nguồn kinh phí của thành phố và nguồn xã hội hóa.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TP đã chuẩn bị nhiều phương án để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chủ tịch TP cũng đề xuất nhiều phương án tương ứng với 6 nhóm nguy cơ bùng phát dịch. "Nâng cao sàng lọc dịch bệnh cao nhất ở khu vực bệnh viện, khu công nghiệp, xét nghiệm hàng tuần thậm chí là hàng ngày với nhóm nguy cơ cao. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm nếu để người cách ly đi ra khỏi nhà", ông Phong khẳng định.
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép cơ sở lưu trú chứa chấp người nhập cảnh trái phép. TP đã lên phương án dự trù về bệnh viện điều trị, khu cách ly, sinh phẩm xét nghiệm chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh như chỉ đạo của Thủ tướng.
Song song, với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính, TP.HCM cũng không từ bỏ mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
3 kiến nghị cho TP Thủ Đức
Về TP Thủ Đức, TP.HCM có 3 kiến nghị.
Đầu tiên là đề xuất các bộ, ngành Trung ương phối hợp với TP.HCM xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù với TP Thủ Đức.
Thứ hai, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục bắc - nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung xây dựng một số công trình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Cuối cùng, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho Dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam. Trước đó, TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng về chính sách ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của Công ty Intel Products Việt Nam giai đoạn 2.
Ngoài nhóm kiến nghị cho TP Thủ Đức, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra 4 nhóm đề xuất cho các vấn đề chung của TP.HCM: Phân cấp, phân quyền cho TP.HCM; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; về quản lý đô thị.
Về phân cấp, phân quyền, ông Phong đề xuất Chính phủ giao Bộ Nội vụ ban hành nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM. Nguyên nhân là một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, không tạo cơ chế thuận lợi cho thành phố phát triển.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương và chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với TP.HCM hoàn chỉnh Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố và trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021. Ông Phong phân tích dựa trên chuỗi số liệu từ 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết ngân sách, TP đề xuất tỷ lệ điều tiết 23% cho giai đoạn 2022-2025 (như giai đoạn 2011-2016).
Đối với các vấn đề đô thị, Chủ tịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Để khép kín đường Vành đai 3, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Về dự án tuyến đường Vành đai 4, Chủ tịch TP.HCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu toàn diện Vành đai 4, xem xét cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này.
Nhiều kỳ vọng từ cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với TP.HCM
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị của thành phố. Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với TP.HCM kể từ khi ông nhậm chức.
Đi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nhiều bộ, ngành. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tại buổi họp tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 4 diễn ra hôm 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong cuộc làm việc với Thủ tướng, thành phố sẽ báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về đề án cơ chế phù hợp cho TP Thủ Đức.
Trước đó, ngày 24/3, UBND TP.HCM cũng đã trình Thủ tướng về chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển, hội nhập. Việc thành lập một trung tâm tài chính mang tầm cỡ quốc tế tại TP.HCM còn giúp nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ thế giới.
UBND TP.HCM nêu định hướng trong trung hạn, trung tâm tài chính sẽ mang tầm ảnh hưởng trong khu vực, có quy mô tập trung lớn. Trong dài hạn, thành phố sẽ thu hút được nhiều nguồn cung cầu về sản phẩm tài chính, phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu trong nước và toàn cầu.