Sáng 2/11, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu hàng loạt vấn đề tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm qua.
“Đầu kỳ thì Formosa , cuối kỳ corona hoành hành, cuối kỳ nữa thì thiên tai làm tanh bành”, Thủ tướng dẫn chứng.
Khát khao phát triển nhưng không thể chủ quan
Nhắc đến đại dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh sự kiện này đã khiến cả thế giới điêu đứng.
Với Việt Nam, Chính phủ đã có chỉ đạo giãn cách xã hội trong đợt 1. Thủ tướng cho rằng nếu không làm thế sẽ có rất nhiều người chết.
“Sau 99 ngày không có dịch thì mừng lắm, tưởng rằng mình đã vượt qua nhưng dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng”, Thủ tướng nhắc lại và cho biết phương thức chỉ đạo lần này đã khác trước, chỉ cho giãn cách từng khu vực chứ không giãn cách xã hội toàn quốc. Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, làm theo phương thức cũ thì chắc chắn kinh tế tăng trưởng âm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát dịch và cho biết từ nay đến cuối năm chưa thể cho khách du lịch vào Việt Nam. Ảnh: Hải Quân. |
Với mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao về cách làm. Nhưng ông lưu ý “không được chủ quan vì dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào”.
“Mặc dù khát khao phát triển rất lớn, nhưng chúng tôi quyết định chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam. Cái này người ta phản đối lắm, nhưng dịch bệnh này lớn quá, không thể kiểm soát nên phải cương quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Minh chứng cho điều mình vừa nói, ông đưa ra tác động của dịch Covid-19 trên lĩch vực du lịch.
Theo đó, nếu bình thường, năm nay Việt Nam đón 21 triệu khách du quốc tế và sẽ có doanh thu trên 60 tỷ USD, nhưng Covid-19 đã khiến con số này “gần như bằng không”.
“Ta chấp nhận việc này để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chấp nhận kiểm soát tốt dịch bằng cách không đưa khách du lịch nước ngoài vào từ nay đến cuối năm. Tôi cũng bị phản đối cái này, nhiều người nói phải đưa khách du lịch vào nhưng không thể”, Thủ tướng nhắc lại.
Riêng với các nhà đầu tư, nhà ngoại giao, nhà quản lý…, Thủ tướng chỉ đạo tạo điều kiện đưa vào cùng với sự kiểm soát và cách ly.
Dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng vui mừng thông báo Việt Nam là một trong hai nước khu vực châu Á có tăng trưởng dương, và là nước duy nhất trong ASEAN đạt kết quả này. Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta phải có khát vọng vươn lên, cùng với đó, phải giữ lấy niềm tin, uy tín của cán bộ.
Mưa lớn phá hỏng kết cấu địa chất gây sạt lở
Đề cập đến vấn đề nóng bỏng là thiên tai, lũ lụt, Thủ tưởng cho biết ông vừa có chuyến đi đến Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam - những nơi phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
“Chưa bao giờ thiên tai dồn dập như thế vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn, làm giảm GDP”, Thủ tướng nhận định và thông tin Chính phủ đang có chương trình khắc phục rất quyết liệt. Đồng thời, sẽ có quyết sách mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ nhà ở, tìm người còn mất tích.
Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai dồn dập như thế vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn, làm giảm GDP. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Điển hình là việc tìm kiếm 23 thuyền viên ở Bình Định và những nạn nhân mất tích do sạt lở đất ở Quảng Nam, Quảng Trị…
“Số người chưa tìm thấy là trên 50 người, rất đau xót cho thân nhân gia đình của họ”, Thủ tướng chia sẻ.
Về tình trạng sạt lở đất, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chính do kết cấu địa chất ở khu vực này chủ yếu là đất sét, khi mưa lớn nhiều ngày đất sẽ nhão.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết theo khảo sát, thảm thực vật còn đến 80-90% nên có thể kết luận tác động từ bên ngoài là hạn chế, chủ yếu do mưa lũ làm thay đổi kết cấu địa chất của khu vực.
“Như khu vực Trà Leng thì không có thuỷ điện nào cả, ở Quảng Trị - nơi các chiến sĩ hy sinh cũng cách núi 1,6 km”, Thủ tướng dẫn chứng.
Nhấn mạnh tác hại của thiên tai rất lớn, Thủ tướng cho rằng cần có đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tác động của con người.
Đó là tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện để không lấy rừng, đất rừng. Đặc biệt, Thủ tướng thể hiện quan điểm nên hạn chế xây dựng thủy điện nhỏ, những công trình nào lấy đất rừng phải trình ra Quốc hội xin ý kiến.