Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức tại TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2018, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu ngân sách đạt trên 600.000 tỷ đồng. Con số này chiếm tỷ lệ 42% tổng doanh thu của cả nước. Bộ này cũng thông tin rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 16.000 dự án từ 121 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng phát triển mạnh về ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm và phát triển các dịch vụ thương mại, logistics, du lịch, tài chính. Trong năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở vùng này đạt trên 5.400 USD, cao gấp hơn 2 lần so với thu nhập trung bình cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Ngọc An. |
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, dù nguồn thu ngân sách cao và dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng sức tăng trưởng ở hai ngành mũi nhọn là công nghiệp và dịch vụ có xu hướng giảm. Nguồn nhân lực còn chịu nhiều thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Vùng này cũng được cho là quá tải về hệ thống hạ tầng và đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường khi dân số cơ học tăng nhanh.
Tại buổi làm việc, Hội nghị đưa ra các khuyến nghị về cơ chế, chính sách và nêu các giải pháp để phát triển kinh tế bền vững. Những hạn chế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được xem xét.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng hội nghị cần xem xét những gì đạt được và chưa đạt được trong thời gian, tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn để phát huy thế mạnh của vùng.
Theo Thủ tướng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi duy nhất của cả nước hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ để tăng trưởng nhanh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và năm 2020 để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.
"Không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục, để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng, trước hết là tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và năm 2020", Thủ tướng nói.