Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019.
Theo đó, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.
Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách trung ương và vốn nước ngoài (ODA).
Nguyên nhân chủ yếu là chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...
Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 đạt tỷ lệ 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Việt Linh. |
Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 192.000 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.
Lý giải về tình trạng chậm giải ngân, Bộ KHĐT nêu vấn đề vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công, đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường...
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân lớn đến từ công tác lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, quy trình giao kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập như các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán...
Riêng về nguồn vốn ODA, nhiều dự án gặp vấn đề về thủ tục pháp lý, phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân. Một số khác không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.
Do đó, Bộ KHĐT đề nghị tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Trong đó, Bộ trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn TPCP.
Ngoài ra, các nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm toán và chế tài cũng được Bộ đề xuất trong báo cáo.