Sáng 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19.
Thủ tướng đánh giá dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp nặng nề, có những ngành bị ảnh hưởng rất lớn như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống…
Không chỉ các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp khó khăn chồng chất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải giữ được hai mặt trận là chống dịch và ổn định kinh tế. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Trước tình hình ấy, nếu không nhìn thấy, không có sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự vươn lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp - nhân tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng tiếp theo các gói hỗ trợ, nên có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe thêm ý kiến, kiểm tra xem sự hỗ trợ của Chính phủ đã đến nơi đến chốn chưa, có gì vướng mắc.
Thủ tướng mong muốn lắng nghe đầy đủ ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, các hiệp hội… để có quyết sách đúng.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy.
Nhận định tình hình kinh tế hiện nay đã có nhiều khó khăn hơn, Thủ tướng cho rằng cần chú ý đến 2 mặt trận.
Mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”. Mặt trận thứ hai là phát triển kinh tế, giữ cho kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết. Đây yêu cầu cấp bách hiện nay.
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch.