Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Cho học sinh đi học trực tiếp sau Tết sớm nhất có thể'

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học an toàn sau Tết Nguyên đán.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngay hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương, thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa cơ sở giáo dục, đào tạo, trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo kết quả, đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.

Hoc sinh di hoc truc tiep sau Tet anh 1

Học sinh lớp 12 ở Hà Nội trở lại trường hồi đầu tháng 12/2021. Ảnh: Việt Linh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa an toàn trường học.

Bộ cần hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là các địa phương có tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine cao cho trẻ 12-17 tuổi.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để trẻ em, học sinh từ 5 đến 11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức hội thảo khoa học, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và tham khảo tổ chức WHO để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục về biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ em, học sinh đến trường an toàn, khẩn trương, nghiên cứu sửa đổi, ban hành tiêu chí xác định các cấp độ dịch trong tình hình mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo, tọa đàm và truyền thông tạo đồng thuận xã hội để học sinh, phụ huynh, người dân yên tâm cho con em trở lại trường học trực tiếp an toàn và hiệu quả.

Thời gian qua, học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương phải chuyển sang học trực tuyến do dịch Covid-19. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2021, kế hoạch năm học đứt đoạn. Chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.

Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo thống kê, tính đến ngày 9/1, cả nước có 9 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; 19 địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Bộ trưởng GD&ĐT: 'Hạn chế tối thiểu tác động của dịch lên giáo dục'

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2022 là chống dịch Covid-19, hạn chế đến mức tối thiểu tác động của dịch bệnh lên giáo dục, đào tạo.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm