Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành công thương diễn ra chiều 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới hàng loạt vấn đề nóng của ngành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng công nghiệp đạt thấp hơn cùng kỳ, tình trạng gian lận thương mại, công tác quản lý bán hàng đa cấp, hàng giả, tình trạng phân bón giả chưa chặt chẽ gây lộn xộn, bức xúc cho xã hội.
Bộ máy cán bộ cồng kềnh, cần tái cơ cấu
Vấn đề Thủ tường nhấn mạnh là trong nội bộ ngành, việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp còn chậm, chưa hiệu quả. Bộ Công Thương có nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng cổ phần hoá chậm, tỷ trọng cổ phần hoá còn thấp. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải tái cơ cấu ngay bộ máy hàng chục các Cục, Vụ, trường đại học, cao đẳng, tập đoàn, tổng công ty.
Về việc này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ rà soát để bổ sung điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai.
Chuyện bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công Thương thời gian gần đây rất được dư luận quan tâm, do mới đây Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã có ý kiến về công tác cán bộ tại Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cụ thể là quyết định bổ nhiệm đối với ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Cần suy nghĩ về bài học Formosa
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ rõ, công tác truyền thông cho doanh nghiệp về hội nhập còn chưa đầy đủ, chưa tận dụng được hết cơ hội mang lại. Trong khi đó, tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập, khiến một số doanh nghiệp lớn rơi vào tay nước ngoài.
“Việc tận dụng các cơ hội, thách thức do hội nhập mang lại còn chưa hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp.
Sau WTO, chúng ta thở phào nhưng vấn đề tổ chức như thế nào thì thực tế làm chưa tốt, nhận thức và hành động còn nhiều bất cập. Từ đó, cơ chế chính sách còn chậm, chưa phát huy ưu đãi chính sách. FTA chắc chắn mang lại cơ hội quốc tế nhưng phải đi cùng cải cách về thể chế, chính sách”, ông nói.
Thủ tướng cho rằng, ngành công thương cũng cần phải thay đổi trong quản lý công nghiệp, tăng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, nâng cấp nền kinh tế. Cùng với đó phải huy động được khu vực tư nhân tham gia vào công nghiệp hoá đất nước, tạo động lực phát triển.
Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta không thể phát triển bằng bất cứ giá nào, cần chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp. Cần có tư duy mới, ứng xử với chủ thể thị trường, cũng đừng hạn chế mình trong khu vực mà phải vươn mình ra biển lớn”.
Thừa nhận các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng thiết kế luật chơi và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia.
“Như về môi trường, bài học Formosa để lại những gì chúng ta phải suy nghĩ để mà thu hút tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ cho ngành, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng kinh tế thị trường.
“Nhà nước chỉ tập trung vào những cái thị trường làm chưa tốt, nhưng phải đảm bảo tính minh bạch và chống độc quyền”, Thủ tướng nói.
Ông yêu cầu ngành công thương cần tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu năm nay phải đạt bằng hoặc cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Dù chưa có ý kiến chỉ đạo về việc này, nhưng tại hội nghị, Thủ tướng thừa nhận: “Đừng tưởng tôi không biết Bộ nào bị kêu ca nhiều, nhưng Bộ Công Thương là ít bị các doanh nghiệp kêu ca nhất”.
Bộ Công Thương đề xuất cho EVN vay lại vốn ODA
Trước thực tế các dự án của ngành điện, nhất là điện nông thôn, thiếu vốn trong những năm tới, Bộ trưởng Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép EVN được dùng nguồn vốn ưu đãi do Chính phủ vay về.
“Cho phép các dự án điện được vay lại Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, làm tăng chi phí đi vay đối với dự án”, người đứng đầu ngành Công Thương kiến nghị.
Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các dự án điện vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi Nhà nước đối với các hạng mục di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước. Người đứng đầu ngành công thương cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép phân cấp uỷ quyền cho các chủ đầu tư là tập đoàn, tổng công ty trực tiếp phê duyệt các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (FS), thiết kế cơ sở…