Sáng 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực hiện hiệu quả. Ông mong muốn được nghe “hiến kế” giải quyết vấn đề này.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng các địa phương trong vùng kinh tế Bắc Bộ cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn hiện nay về cơ chế, quy hoạch, cơ sở hạ tầng.
"Hiện ngân sách Nhà nước không đủ nguồn lực thì phải huy động từ tư nhân. Muốn vậy phải tháo gỡ cơ chế để thu hút vốn đầu tư, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để tạo sức hấp dẫn cho vùng", ông góp ý.
Những giải pháp trọng điểm
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ảnh: VGP. |
Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, ông Chung đề xuất Thủ tướng giao cho một Phó thủ tướng làm chủ tịch vùng để có nhiều quyết định hiệu quả hơn.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên mong muốn Trung ương hỗ trợ tạo điều kiện cho Hà Nội, Hưng Yên triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 và cầu vượt Ngọc Hồi.
Cùng với đó, cho phép thi công giai đoạn 2 dự án đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ nguồn vốn dư của dự án cầu Hưng Hà, do đường mới thông xe có 6 tháng nhưng mật độ xe đã vượt thiết kế 5 lần.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phản ánh thực tế tỷ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Ông Dũng cho biết trung bình mỗi năm dân số thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, cao hơn rất nhiều so với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 100-200 người/km2).
Cần cơ chế thu hút đầu tư tư nhân
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Với tinh thần “nói bất cập, tồn tại nhiều hơn để thấy mình đang ở đâu, để sửa chữa”, Thủ tướng cho rằng khu vực dịch vụ đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ; việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần có cơ chế thu hút đầu tư từ trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn.
“Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường”, Thủ tướng lưu ý.
Theo người đứng đầu Chính phủ, quan tâm phát triển đô thị là cũng một động lực tăng trưởng. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân.
Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình cụ thể để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.