Ông cũng không tới tham dự buổi lễ khai trương có sự góp mặt của người đồng cấp Nepal Sher Bahadur Deuba.
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vinay Mohan Kwatra hôm 13/5 cho biết không thể bình luận khi được hỏi về việc ông Modi không hạ cánh ở sân bay mới.
“Có khả năng Ấn Độ giữ khoảng cách, vì sân bay do Tập đoàn Công trình Sân bay Hàng không dân dụng Tây Bắc Trung Quốc xây dựng”, một chuyên gia đối ngoại Nepal nói với New Indian Express.
Nepal có truyền thống cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Ấn Độ đang sụt giảm, khi Trung Quốc rót nguồn vốn đầu tư lớn vào quốc gia Nam Á này.
Giới chức Nepal ngày 16/5 chính thức khánh thành sân bay quốc tế Gautam Buddha gần thành phố Lumbini, nơi sinh của đức Phật, theo AFP.
Chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại sân bay Gautam Buddha sau khai trương. Ảnh: AFP. |
Sân bay có giá thành 76 triệu USD này được xây dựng nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ OPEC về Phát triển Quốc tế. Đơn vị thi công là Tập đoàn Công trình Sân bay Hàng không dân dụng Tây Bắc Trung Quốc.
Sân bay Gautam Buddha là sân bay quốc tế thứ hai của Nepal sau sân bay ở thủ đô Kathmandu, nơi đã hoạt động hết công suất, theo Giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal Pradeep Adhikari.
“Số khách hàng của hàng không Nepal đang tăng trưởng từng ngày. Chúng tôi không thể thêm chuyến bay tới Kathmandu”, ông Adhikari nói. “Do đó, chúng tôi hy vọng sân bay mới này sẽ có thể phục vụ các chuyến bay và hành khách đó”.
Sân bay có công suất 2 triệu hành khách mỗi năm và giúp các Phật tử trên khắp thế giới dễ dàng hành hương tới những địa điểm linh thiêng hàng đầu của đạo Phật hơn. Nepal có kế hoạch mở đường bay thẳng từ sân bay tới các quốc gia có đông dân số theo đạo Phật như Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Độ…