Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Abe ở Trân Châu Cảng: Tôi thấy mình câm lặng

Trong chuyến thăm lịch sử tới Trân Châu Cảng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu giàu cảm xúc cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Obama và Abe đặt hoa ở Trân Châu Cảng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại nhà tưởng niệm ở Hawaii, 75 năm sau sự kiện Trân Châu Cảng.

Zing.vn gửi tới bạn đọc trích đoạn bài phát biểu của ông Abe.

Tổng thống Obama, Tư lệnh Harris, thưa quý ông quý bà và toàn thể nhân dân Mỹ: Tôi đứng đây ở Trân Châu Cảng với tư cách là Thủ tướng Nhật.

Lắng nghe kỹ, chúng ta có thể thấy tiếng sóng mải miết vỗ bờ rồi ngừng lại và rút đi. Bãi vịnh yên bình với sắc xanh huy hoàng điểm xuyết bởi ánh nắng ấm áp. Phía sau tôi, khối màu trắng ấn tượng nổi bật trên sắc xanh là Đài tưởng niệm tàu USS Arizona (con tàu bị tấn công trong Trân Châu Cảng 1941 - PV).

thu tuong Nhat phat bieu o Tran Chau Cang anh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm lịch sử tới Trân Châu Cảng hôm 27/12. Ảnh: Reuters. 

Cùng với Tổng thống Obama, tôi đã thăm đài tưởng niệm, nơi yên nghỉ của rất nhiều linh hồn. Đó là nơi khiến tôi câm lặng hoàn toàn. Ghi khắc ở đó là tên của những quân nhân đã mất mạng. Những thuỷ thủ và lính thủy đánh bộ đến từ California, New York, Michigan và Texas, cùng nhiều nơi khác, nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ cao cả bảo vệ tổ quốc họ trân quý. Họ hy sinh trong ngọn lửa thiêu đốt hôm đó, khi bom đạn xé đôi con tàu USS Arizona.

Thậm chí 75 năm sau, USS Arizona, giờ nằm dưới đáy biển, vẫn là nơi yên nghỉ cuối cùng của vô số thuỷ thủ và lính thủy đánh bộ. Lắng nghe lại với tất cả các cảm quan của mình, giữa âm thanh của gió và tiếng sóng rì rào, tôi vẫn nghe tiếng vọng của họ.

Tiếng của những trao đổi, sôi nổi và thoải mái, trong ngày đó, một buổi sáng Chủ nhật. Tiếng của những người lính trẻ nói với nhau về tương lai và những giấc mơ; tiếng họ gọi những người thân yêu vào giờ khắc cuối cùng; tiếng cầu nguyện cho hạnh phúc của những đứa trẻ sắp sinh. Và mỗi người lính đó có người mẹ và người cha lo lắng cho sinh mệnh họ. Nhiều người trong số họ có vợ và bạn gái mà họ yêu thương, rất nhiều có những đứa trẻ mà họ mong muốn nhìn thấy chúng trưởng thành. Tất cả những điều đó bị dập tắt. Nghĩ tới hiện thực lạnh lùng đó, tôi thấy mình câm lặng.

Hãy an nghỉ, những linh hồn cao quý đã hy sinh. Với cảm xúc ngập tràn đó, tôi đại diện cho người Nhật thả những vòng hoa xuống vùng biển nơi những thuỷ thủ và lính thủy đánh bộ yên nghỉ.

Thưa Tổng thống Obama, nhân dân Mỹ và nhân dân khắp nơi trên thế giới, với tư cách là Thủ tướng Nhật, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và vĩnh cửu tới linh hồn những người đã hy sinh ở đây, cũng như là tới linh hồn của tất cả những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã hy sinh trong cuộc chiến đã bắt đầu chính tại nơi đây, cũng như tới linh hồn của biết bao người vô tội là nạn nhân của chiến tranh.

thu tuong Nhat phat bieu o Tran Chau Cang anh 2
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước cựu thù cùng đến thăm địa điểm này. Ông Abe cũng là một trong những lãnh đạo Nhật hiếm hoi tới Trân Châu Cảng. Ảnh: Reuters.

 

Chúng ta không bao giờ được phép lặp lại những điều kinh khủng của chiến tranh. Đây là lời thề trang trọng của chúng tôi, những người dân Nhật. Kể từ sau chiến tranh, chúng tôi đã xây dựng một đất nước dân chủ, tự do, tôn trọng giá trị pháp quyền và đã cương quyết giữ lời cam kết không gây chiến. Chúng tôi, người dân Nhật, sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc vững chắc này trong khi tiếp tục tự hào thầm lặng là một đất nước yêu chuộng hoà bình mà chúng tôi xây dựng trong suốt 70 năm qua kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.

Với những linh hồn của những người lính đã yên nghỉ vĩnh viễn trên tàu USS Arizona, với người dân Mỹ, và tất cả người dân thế giới, tôi (tiếp tục) cam kết lời thề vững chắc đó ở đây với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản.

Hôm qua, ở Căn cứ lính thuỷ đánh bộ Hawaii ở vịnh Kaneohe, tôi thăm bia mộ một sĩ quan hải quân Hoàng gia Nhật. Ông là phi công máy bay chiến đấu với tên là Tư lệnh Fusata Iida, người bị bắn trúng lúc tấn công vào Trân Châu Cảng và không thể trở lại hàng không mẫu hạm của mình. Ông tiếp tục chiến đấu và hy sinh.

Người dựng tấm bia cho ông Iida nơi chiếc máy bay rơi không phải là người Nhật, mà chính là những người lính Mỹ bị tấn công ngày hôm đó. Ghi nhận sự dũng cảm viên phi công hy sinh, họ dựng bia đá này.

Trên tấm bia, quân hàm của ông khi đó được ghi lại: Trung tá, Hải quân Hoàng gia Nhật – thể hiện sự kính trọng với người lính hy sinh thân mình cho tổ quốc. “Những người dũng cảm tôn trọng những kẻ can trường.” Ambrose Bierce đã viết trong bài thơ nổi tiếng của mình. Thậm chí là thể hiện tôn trọng đối với kẻ thù mình từng chiến đấu, cố gắng để hiểu dù đó là kẻ thù họ căm ghét. Đó chính là thể hiện tinh thần khoan dung của nhân dân Mỹ.

Khi chiến tranh kết thúc, nước Nhật là đất nước tan hoang trong tro tàn, cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Chính nước Mỹ và những người dân tốt bụng của họ đã ngay lập tức gửi thực phẩm cho chúng tôi ăn, quần áo cho chúng tôi mặc. Người dân Nhật sống sót và tiến tới tương lai được là nhờ những tấm áo len và bình sữa mà nhân dân Mỹ gửi. Và chính người Mỹ đã mở con đường cho nước Nhật trở lại với cộng đồng quốc tế sau khi chiến tranh kết thúc.

Dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ, Nhật Bản có thể tận hưởng hoà bình và thịnh vượng, với tư cách là thành viên của thế giới tự do. Thiện chí và những hỗ trợ các bạn cho người Nhật chúng tôi – kẻ thù mà các bạn quyết chiến rất dữ dội trước đó – cùng với tinh thần khoan dung tuyệt đối, đã khắc sâu vào trái tim và trí óc của ông bà, của những người mẹ chúng tôi. Chúng tôi cũng nhớ những thiện chí này. Con cái và cháu chắt chúng tôi sau này sẽ tiếp tục đem theo những ký ức đó và sẽ không bao giờ quên những gì các bạn đã làm. 

Tôi khắc ghi những lời được ghi trên bức tường ở Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, nơi tôi tới thăm cùng Tổng thống Obama, như sau: “Đừng ác tâm với ai, khoan dung với tất cả, hãy cùng cố gắng để tất cả đều có thể thành công và gìn giữ hoà bình vĩnh viễn cho chúng ta và với tất cả các nước.” Đó là lời của Abraham Lincoln.

Thay mặt nhân dân Nhật, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành tới nước Mỹ và thế giới đã khoan dung với nước Nhật.

75 năm đã trôi qua kể từ sự kiện Trân Châu Cảng. Nhật Bản và Mỹ, từng chiến đấu dữ dội (với nhau) trong cuộc chiến tranh được ghi vào sử sách của nhân loại, đã trở thành đồng minh, với sự gắn kết sâu và mạnh mẽ hiếm thấy trong lịch sử. Chúng ta là những đồng minh mà sẽ còn tiếp tục gắn kết sâu hơn nữa trước nhiều thách thức trên toàn cầu. Chúng ta là liên minh của hy vọng mà sẽ dẫn dắt chúng ta tới tương lai.

Điều đã gắn kết chúng ta lại là hy vọng của hoà giải nhờ tinh thần đó và sự khoan dung. Từ Trân Châu Cảng cùng với Tổng thống Obama, tôi muốn kêu gọi người dân toàn thế giới rằng đây chính là sức mạnh của hoà giải. Kể cả hôm nay, những kinh hoàng của chiến tranh vẫn chưa bị xoá sạch khỏi trái đất này. Vòng xoáy thù hận sinh thù hận sẽ không bao giờ chấm dứt. Thế giới cần tinh thần khoan dung và sức mạnh của hoà giải, đặc biệt vào lúc này.

Nhật Bản và nước Mỹ đã xoá được hận thù và xây dựng tình hữu nghị cũng như niềm tin dựa trên nền tảng các giá trị chung, và giờ đây, đặc biệt vào lúc này, đang gánh trách nhiệm kêu gọi thế giới về tầm quan trọng của khoan dung và sức mạnh của hoà giải. Đó chính là lý do vì sao liên minh Nhật - Mỹ là liên minh của hy vọng.

Vùng vịnh trước mắt chúng ta trong vắt. Đó là Trân Châu Cảng. Chính vùng vịnh này, giống chuỗi ngọc lung linh, là biểu tượng của khoan dung và hoà giải. Ước nguyện của tôi là trẻ em Nhật và, thưa Tổng thống Obama, trẻ em Mỹ, và thực tế là con và cháu của chúng, cùng tất cả người dân trên thế giới, sẽ tiếp tục nhớ tới Trân Châu Cảng như biểu tượng của hoà giải.

Chúng ta sẽ tiếp tục biến ước nguyện đó thành sự thật. Cùng với Tổng thống Obama, tôi đưa ra cam kết mạnh mẽ đó. Xin cám ơn rất nhiều.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe cúi đầu tại Trân Châu Cảng

Nhà Trắng cho biết chuyến thăm Trân Châu Cảng của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật thể hiện "sức mạnh của sự hòa giải" giúp đưa những cựu thù thế chiến trở thành đồng minh thân cận nhất.

Thủ tướng Abe bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Trân Châu Cảng

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/12 rời Nhật Bản tới Hawaii, bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Trân Châu Cảng và gặp gỡ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama.


Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm