Các doanh nghiệp châu Âu giữ quan điểm thận trọng về môi trường kinh tế Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2024. Khảo sát này đóng vai trò như một thước đo tâm lý của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam.
Cụ thể, bất chấp mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ nửa đầu năm, BCI đã giảm nhẹ từ 52,8 điểm trong quý I xuống 51,3 trong quý II, nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều chỉnh chính sách để duy trì đà tăng trưởng.
Mặc dù giảm nhẹ, chỉ số vẫn duy trì ở mức tích cực. Sự lạc quan thận trọng này phù hợp với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý đầu tiên, cho thấy điều chỉnh kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế đầy hứa hẹn.
Triển vọng tích cực về ổn định kinh tế nhìn chung vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nhóm dự đoán khả năng kinh tế sẽ xấu đi trong quý tới lại tăng nhẹ 3%.
Sau nhiều kỳ tăng trưởng ổn định, tình trạng chững lại phần nào phản ánh đà tăng trưởng hiện tại có dấu hiệu chậm lại và doanh nghiệp đang cẩn trọng hơn. Nhóm tích cực giảm 2% và chuyển sang quan điểm trung lập hơn.
Chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu giảm nhẹ. Ảnh: EuroCham. |
Báo cáo của EuroCham cho biết nhu cầu của người tiêu dùng đang có nhiều mâu thuẫn.
Đà phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Mức chi tiêu và hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tích cực nhưng diễn biến không đồng nhất ở các ngành. Thông tin mâu thuẫn và tình hình chưa ổn định khiến doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp đang trở lại với tâm lý thận trọng với gần một nửa lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát không có ý kiến rõ ràng về tình hình kinh doanh trong quý tới. Trong đó, rào cản chính đến từ hệ thống luật lệ và chính sách hiện hành vẫn còn rườm rà, khó khăn.
Bất chấp sự thận trọng trong ngắn hạn, gần 70% lãnh đạo doanh nghiệp vẫn bày tỏ lạc quan trong giai đoạn 5 năm tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với gần 70% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Điều này cho thấy sự tín nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường kinh doanh, qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư mới từ nước ngoài cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.
Dẫu vậy, 5 trở ngại đáng kể nhất đối với hiệu quả kinh doanh đều liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính trùng lặp, rườm rà, không nhất quán. Bên cạnh đó, khoảng cách năng lực và cơ sở hạ tầng thiếu thốn cũng làm tăng thêm những trở ngại mà doanh nghiệp phải đối mặt trong việc cải thiện hiệu suất.
Để khắc phục những rào cản hoạt động đã được xác định trước đó, cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tinh giản thủ tục hành chính và ban hành luật chính xác hơn.
"Chúng tôi tin rằng bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam", ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, cho biết.
Báo cáo cũng cho biết nhờ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi từ trung bình đến đáng kể đã tăng hơn 10 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, 27% doanh nghiệp báo cáo tác động tích cực trong năm nay so với 18% của năm ngoái.
Gần 1 trong 3 doanh nghiệp đồng ý rằng các rào cản thương mại, đặc biệt là thuế quan, đang được cắt giảm như dự định.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.