Sáng 25/4, Bộ Y tế thông báo không có ca nhiễm Covid-19 mới. Song có 5 trường hợp được xác nhận tái dương tính với virus corona sau khi đã công bố khỏi bệnh. Các ca này tiếp tục được đưa vào bệnh viện điều trị, theo dõi, cách ly.
Vì sao đã khỏi bệnh lại tái dương tính?
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 24/4, ông đã đưa ra nhiều giả thiết cho các trường hợp này.
Thứ nhất, có thể do người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ hai, khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải, virus lại ở dạng bất hoạt (xác virus). Khi làm khuếch đại gen thì xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ ba, trường hợp người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Cho đến nay, chưa khẳng định được chắc chắn, nhưng điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết có trường hợp được dự đoán kháng thể không tiêu diệt được virus nên virus tồn tại rất lâu trong cơ thể. Ảnh: VGP. |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó lại dương thì giao cho 2 phòng xét nghiệm tiến hành nuôi cấy virus. “Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh”, ông Long nói.
Ngoài ra, thời gian tới ngành y tế sẽ tiến hành lấy mẫu hết tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa, xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt được virus hay không.
“Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Ông cho biết các công việc này phải làm trong phòng xét nghiệp an toàn sinh học cấp 3. Hiện Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM thực hiện hai kỹ thuật này để từ đó sớm có câu trả lời khoa học.
Khả năng lây nhiễm trở lại lớn
Dẫn ý kiến chuyên gia và các cơ quan chuyên môn, ông Long cho biết dù Việt Nam không còn hoặc có rất ít ca bệnh mới, vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus. Bởi thực tế, nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt nên rất dễ bỏ qua.
Ban chỉ đạo quốc gia cũng xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.
Các chuyên gia đang rất lo lắng về làn sóng lây nhiễm thứ 2 đối với dịch Covid-19 ở Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng. |
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ rất lo ngại về làn sóng thứ 2 đối với dịch Covid-19. Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra.
“Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn”, ông nói.
Vì vậy, giải pháp được Ban chỉ đạo thống nhất là cần phải kiên quyết ngăn chặn với đường hàng không, kiểm soát với từng chuyến bay, từng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng chống dịch. Nếu không làm chặt chẽ dễ bỏ qua và dễ gây ra tình trạng làn sóng thứ 2.
Với vấn đề xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã có sự điều chỉnh.
Theo đó, tất cả những trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan bệnh cúm thông thường sẽ lập tức được xét nghiệm. Một số đối tượng có nguy cơ như khu công nhân, khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế... cũng sẽ được tập trung xét nghiệm.