Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thứ trưởng Bộ Y tế: ‘Hy vọng dịch TP.HCM đang ở đỉnh, rồi sẽ giảm dần'

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng khi ca mắc giảm dần, TP.HCM không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16. TP cần có lộ trình để đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới.

Thu truong Bo Y te,  Nguyen Truong Son,  TP.HCM,  Chi thi 16,  roi se giam dan,  F0,  dieu tri tai nha anh 1

TP.HCM vừa trải qua 7 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây cũng là giai đoạn TP ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước đến nay, đồng thời áp dụng nhiều chiến lược mới về cách ly, xét nghiệm, điều trị Covid-19.

Là trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có những nhận định về tình hình của TP.HCM sau 15 ngày giãn cách.

Áp lực của y tế cơ sở khi F0 xuất viện sớm

- Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM liên tục tăng cao, có ngày đạt đỉnh với hơn 2.600 người nhiễm. Ông nhận định ra sao về tình hình dịch ở TP.HCM?

- Với sự nỗ lực của TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam trong rà soát, phát hiện sớm các ca nhiễm trong khu cách ly, vùng phong toả và sàng lọc trong cộng đồng, kết quả số lượng ca nhiễm Covid-19 ở địa bàn trên tăng rất nhanh.

Ví dụ, hôm 15/7, TP.HCM có gần 3.000 ca nhiễm. Đây là gánh nặng lớn cho việc tổ chức các đơn vị thu dung điều trị ban đầu. Trong trường hợp bệnh nhân trở nặng thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến 2 và một số trường hợp nặng hơn phải chuyển lên tuyến 3, 4 là các trung tâm hồi sức của TP.HCM hoặc khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Thu truong Bo Y te,  Nguyen Truong Son,  TP.HCM,  Chi thi 16,  roi se giam dan,  F0,  dieu tri tai nha anh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ Y tế đã ban hành công văn 5599 hướng dẫn TP.HCM và các tỉnh thành, trong đó giảm thời gian theo dõi, điều trị bệnh nhân F0 không triệu chứng; giảm thời gian cách ly F1 trong khu cách ly tập trung. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết để các tỉnh, thành có điều kiện. Đồng thời với những người ở khu cách ly tập trung, cách ly y tế sẽ có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, được gần gũi với gia đình, giảm bớt gánh nặng tâm lý.

Cơ sở vật chất của chúng ta cũng sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận, thu dung bệnh nhân mới, đội ngũ nhân lực y tế làm việc trong khu cách ly, bệnh viện, trung tâm hồi sức sẽ giảm bớt gánh nặng.

- Ngành y tế đối diện áp lực gì khi cho F0 xuất viện sớm? Tại TP.HCM, nhân lực ở đây có đáp ứng được việc hàng ngày kiểm tra sức khỏe bệnh nhân?

- Những F0 không triệu chứng được ra viện sớm, cách ly theo dõi tại nhà phải đáp ứng các điều kiện quan trọng được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Trong đó, ngoài 10 ngày không có triệu chứng họ phải có 2 lần âm tính hoặc có giá trị Ct (biểu thị nồng độ virus) từ 30 trở lên thực hiện bằng xét nghiệm RT-PCR.

Qua nghiên cứu và thực tế, phần lớn các bệnh nhân trở nặng trong khoảng một tuần đầu tiên tính từ khi bắt đầu nhiễm Covid-9. Bên cạnh đó, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho mốc 10 ngày cho bệnh nhân xuất viện nếu không có triệu chứng hoặc có bệnh nhân có triệu chứng đến khi hết triệu chứng 3 ngày sau có thể xuất viện. Tải lượng virus thấp (Ct từ 30 trở lên) tương đương với khả năng lây nhiễm ra cộng đồng ở mức thấp nhất.

Khó khăn của TP.HCM và các địa phương khác khi đưa F0 xuất viện về theo dõi tại nhà, đó là gánh nặng của y tế cơ sở. Với các địa phương, chúng tôi yêu cầu phải có sự theo dõi của y tế cơ sở, nhân viên y tế sẽ thăm hỏi, kiểm tra các ca F0 được đưa về nhà theo dõi.

Cùng với đó, hệ thống liên lạc qua đường dây nóng, qua hệ thống công nghệ cũng được áp dụng nhằm kiểm soát và phát hiện triệu chứng bất thường để có thể theo dõi quá trình điều trị, có thể không phải ở nhà mà ở cơ sở y tế phù hợp nhất. Đó là khó khăn mà chúng tôi nghĩ TP.HCM phải tổ chức hợp lý để áp dụng thành công.

Thu truong Bo Y te,  Nguyen Truong Son,  TP.HCM,  Chi thi 16,  roi se giam dan,  F0,  dieu tri tai nha anh 3

Lực lượng y tế cơ sở của TP.HCM và các địa phương bước đầu sẽ đối mặt với một số khó khăn nhất định khi F0 được về theo dõi tại nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

- Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ lây dịch ra cộng đồng nếu F0 được về nhà điều trị, theo dõi nhưng không tuân thủ quy định?

- Trên nguyên tắc, khi tải lượng virus như vậy và bệnh nhân âm tính thì khả năng lây lan hạn chế mức thấp nhất. Hy vọng khả năng lây lan này không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động điều trị Covid-19 cũng như hoạt động phòng chống dịch trên cộng đồng.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo những F0 sau khi đạt tiêu chuẩn được ra viện sớm về nhà thì cần tuân thủ quy định, hướng dẫn. Chúng tôi cũng đề nghị các gia đình đón người thân thực hiện điều trị tại nhà thì cần có sự hợp tác, động viên với các bệnh nhân này, đảm bảo đúng hướng dẫn như điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chất thải y tế.

Tôi hy vọng với sự hỗ trợ của hệ thống y tế cơ sở, chúng ta sẽ đảm bảo thành công tinh thần trong công văn này.

"Không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16"

- Từ khi Bộ Y tế có hướng dẫn, đã có trường hợp F0 nào ở TP.HCM được điều trị tại nhà chưa, thưa ông? Và Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ TP như thế nào khi áp dụng phương pháp điều trị mới này?

- Từ ngày 15/7, TP.HCM đã bắt đầu thí điểm áp dụng cách ly tại nhà đối với một số trường hợp F1 sau thời gian cách ly tập trung và một số trường hợp cách ly F0 tại nhà.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ theo dõi, hỗ trợ kịp thời cho TP.HCM không chỉ trong công tác thực tiễn mà có thể chúng ta sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp trong thời gian tới để đảm bảo công tác phòng, chống dịch thành công.

- Có cơ sở đang áp dụng mô hình cho F0 tự chăm sóc, theo dõi sức khoẻ cho nhau. Với việc số ca nhiễm tăng cao như ở TP.HCM, liệu cách làm trên có phải là giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế?

- Với bệnh nhân F0 khi vào chung cách ly một phòng hay một khu không còn lo lây chéo vì đều dương tính. Việc tổ chức để các F0 không triệu chứng có thể chăm sóc, theo dõi sức khoẻ cho nhau là vấn đề nhân văn, nên khuyến kích.

Nhưng với F0 có triệu chứng và không triệu chứng, một số dấu hiệu có lẽ phải nhân viên y tế mới phát hiện được. Ví dụ có 2 dấu hiệu giúp phát hiện để can thiệp y tế là nhịp thở và nồng độ SpO2 bằng thiết bị kẹp đầu ngón tay.

Nếu hai biện pháp này chưa có đầy đủ chuyên môn thì khó thực hiện. Khuyến cáo việc theo dõi gíup nhau thì cần thiết nhưng vẫn cần theo dõi hỗ trợ của nhân viên y tế.

Thu truong Bo Y te,  Nguyen Truong Son,  TP.HCM,  Chi thi 16,  roi se giam dan,  F0,  dieu tri tai nha anh 4

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ TP.HCM trong điều trị bệnh nhân và điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ảnh: Duy Hiệu.

- TP.HCM đã trải qua 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Theo ông, hết 15 ngày giãn cách, TP.HCM có thể khống chế được dịch, hay cần kéo dài thêm thời gian áp dụng Chỉ thị 16?

- Việc thực hiện chỉ thị 16 trên địa bàn rộng lớn, phức tạp như TP.HCM sẽ còn nhiều khó khăn. TP cần chuẩn bị đầy đủ các phương án kể cả dừng lại đúng theo thời hạn cũng như kéo dài hoặc kéo dài một số nội dung của Chỉ thị 16 để đảm bảo phòng chống dịch đạt thắng lợi.

Theo dõi một tuần ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị trong các ngày gần đây đều tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt chúng ta đã thực hiện giãn cách nghiêm túc. Ngành Y tế cũng nỗ lực xét nghiệm cho các khu vực có nguy cơ cao và rất cao; công tác theo dõi F1, F0 bằng xét nghiệm RT-PCR được thực hiện nhanh chóng với số lượng ngày càng tăng lên.

Tham gia hỗ trợ TP.HCM trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng TP.HCM đang ở đỉnh dịch và sẽ giảm dần. Khi ca mắc giảm dần, chúng tôi đề xuất thành phố không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà nên lui từng bước để đưa về trạng thái bình thường mới.

- Xin cám ơn Thứ trưởng!


Phó thủ tướng: Tất cả địa phương kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ để có chỉ đạo với tinh thần nâng cao cảnh giác, chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.

Vì sao số ca tử vong vì Covid-19 tại TP.HCM tăng?

Đại diện Sở Y tế cho biết số ca tử vong gia tăng vì khả năng biến chứng nặng của chủng Delta rất nhanh. Các trường hợp tử vong đa số lớn tuổi, có bệnh lý nền.

TP.HCM gấp rút xây mới 2 bệnh viện dã chiến với 5.800 giường

Hai bệnh viện dã chiến ở TP.HCM được xây mới tại huyện Bình Chánh và quận 7 với tổng quy mô hơn 5.800 giường, dự kiến hoàn thành trước 30/8.

Ngọc Lan

Bình luận

Bạn có thể quan tâm