Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Bộ GTVT: Thuyết phục để dân hiểu về BOT Cai Lậy

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, dự án BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai quy định của pháp luật, cần tuyên truyền để người dân hiểu.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 Chiều 1/12, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.
  • 3 trọng tâm chỉ đạo, điều hành

     

    Kết luận phiên họp Chính phủ ngày 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

    Thứ hai, quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. 

    Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

     

  • Đánh giá toàn diện về BOT

    Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

    Cho biết Thường trực Chính phủ đã thảo luận kỹ về việc tăng giá điện, Thủ tướng nói việc tăng giá điện vừa qua chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018, như vậy rất thấp. Các Bộ: Tài chính, Công Thương, theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường. 

    Đề cập đến các dự án BOT, một vấn đề nóng bỏng hiện nay, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.

    Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp lớn khác…). 

  • Không để dân đói, thiếu nhà ở

    Tóm tắt lại một số nội dung của phiên họp Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin sau 11 tháng, Chính phủ chỉ đạo điều hành nhiều công việc thành công như trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Việc trả lời này thể hiện Chính phủ liêm chính, hành động. Chính phủ nói đi đôi với làm, điều này tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân. 

    Cũng trong tháng 11, Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC và được quốc tế đánh giá cao. Khi kết thúc Hội nghị APEC, Thủ tướng đi dự Hội nghị ASEAN 31 tại Phillippines và thấy sự lan tỏa của thành công của hội nghị. Các lãnh đạo tới Việt Nam ăn bát phở, ăn miếng bánh mì đều cảm nhận được không khí dân chủ, cởi mở và niềm tin của người dân... Điều này thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Cũng trong tháng 11, cơn bão số 12 và cơn bão số 14 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thiệt hại này đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Chính phủ đã chỉ đạo, giải quyết kịp thời để khắc phục. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để người dân nào đói, không để người dân nào thiếu nhà ở.

  • Không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em

    Về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần là không được chủ quan trong 1 tháng cuối năm. Cần lấy đà bắt tay ngay vào thực hiện công việc quý I/2018.

    "Chúng ta sẽ đón Tết nhưng không quên chỉ đạo điều hành. Chăm lo Tết cho dân, nhưng quản lý chặt chẽ lễ hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại", Bộ trưởng Dũng nói.

    Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề xã hội bức xúc, không để xảy ra bạo hành với trẻ em. Cả xã hội, chính quyền địa phương, gia đình, cơ quan báo chí… phải cùng tham gia giám sát, phát hiện để chấm dứt tình trạng này.

    Chính phủ sẽ quan tâm xây dựng các trường mầm non công lập, tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất… Hạn chế các cơ sở trông trẻ, các đối tượng bạo hành với trẻ em

  • Nhiều câu hỏi về BOT Cai Lậy

    Sau phần thông tin của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo các bộ, ngành.

    - Việc giao Bộ GTVT tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống BOT, trong đó có BOT Cai Lậy thì liệu có khách quan. Tại sao không giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc này?

    - Liên quan tới thiệt hại do ùn tắc kéo dài tại BOT Cai Lậy, có thống kê chưa? Giải pháp của Bộ GTVT trước vấn đề ùn tắc tại BOT Cai Lậy là gì?

    - Vừa qua, thông tư 33 của Bộ TN&MT quy đinh việc ghi tên thành viên lên sổ đỏ nhưng Bộ Tư pháp có ý kiến lùi việc thực hiện hiệu lực của thông tư nay. Quan điểm của Bộ TN&MT thế nào?

    - Bộ Công Thương vừa có điều chỉnh giá điện. Trong khi báo cáo chi phí sản xuất điện lỗ gần 600 tỷ, nhưng các lĩnh vực khác EVN vẫn lãi 2.600 tỷ đồng. Vậy tại sao lại vẫn tăng?

    - Sabeco đang được định giá tới 340.000 đồng. Việc này liệu có định giá có cao quá hay không? Có thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? Dự kiến từ giờ đến cuố năm, Bộ Công Thương sẽ thoái vốn bao nhiêu doanh nghiệp? Thu về bao nhiêu?

    - Theo thông tin tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, sau 3 năm vẫn tăng 96.000 biên chế. Vậy nguyên nhân từ đâu và trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

  • "Dự án BOT Cai Lậy không sai pháp luật"

    Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Cho đến nay Bộ đã tiếp 107 đoàn kể cả Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành chưa kể đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới lĩnh vực BOT.

    Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tổng hợp lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan về mặt được và chưa được của các dự án BOT để khắc phục trong thời gian tới.

    Về việc kéo dài tình trạng tại BOT Cai Lậy có ảnh hưởng thế nào tới kinh tế, theo thông tư của Bộ GTVT, nếu có tình trạng ách tắc dài quá 500 m thì phải xả trạm chứ không để kéo dài thời gian. Tất nhiên ở trạm BOT Cai Lậy có một số tài xế quá khích, không ủng hộ thu phí như đánh xe đến giữa trạm thu phí, tắt máy bỏ xe đi chơi. Chúng ta không nên ủng hộ những trường hợp như thế.

    Còn việc không để tình trạng kéo dài, từ 1/8 khi trạm thu phí dừng, Bộ GTVT đã rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng BOT Cai Lậy, đặc biệt là dựa vào thanh tra của Bộ Xây dựng và kết luận 475 của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra của Bộ Giao thông. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông đánh giá dự án này về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật.

    Về một số sai phạm theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng như Thanh tra Bộ Giao thông, Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi đã sửa chữa. Về mặt thủ tục, trạm Cai Lậy nằm trong dự án tuyến tránh Cai Lậy chứ không nằm ngoài.

    Thực sự trước khi đầu tư, HĐND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Bộ GTVT đầu tư tuyến tránh này, thủ tục rất đúng. Đúng theo nghị định 108 được cải tạo và nâng cấp đường cũ lên để làm BOT. Mãi tới năm 2015 chúng ta mới có nghị định 30, nghị định 15 thì mới hạn chế, đầu tư tuyến tránh trên quốc lộ cũ.

    Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và đặc biệt nhân dân trong khu vực đặt trạm thu phí và đã thống nhất giảm giá phí đối với phương tiện của 4 xã xung quanh. Bây giờ chúng ta phải tuân thủ pháp luật và tuyên truyền nhân dân hiểu về tình hình chứ không thể để tình trạng này kéo dài được.

    Thứ trưởng Nguyễn Nhật. Ảnh: Văn Chương.

    BOT Cai Lay anh 1

    Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

    9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. 

    Tuy nhiên, chưa tới một ngày, BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả trạm trước việc đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng của tài xế.

  • 'Tỉnh Tiền Giang đề xuất Bộ Giao thông làm tuyến tránh Cai Lậy' Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết trạm BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật, cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu hình hình.
  • Lùi thời hạn thực hiện Thông tư ghi tên cả nhà vào sổ đỏ

    Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định sẽ lùi thực hiện Thông tư 33 (dự định có hiệu lực từ 5/12).

    Theo ông Hà, Thông tư 33 xuất phát từ việc thực hiện Luật Đất đai và Nghị định 01/2017 của Thủ tướng cần hướng dẫn một số điều. Thông tư có trách nhiệm thực hiện một số điều của Luật đất đai và Bộ luật Dân sự. Về cơ sở thực tiễn, trong thời gian vừa qua, việc quy định ghi tên hộ gia đình trong giấy chứng nhận, ghi hộ là chủ thể, trên thực tế Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ. Chúng ta cần phải thực hiện quy định rõ hơn quyền hạn của từng cá nhân với đất đai và tài sản chung.

    Trong quá trình giao dịch phát sinh nhiều khó khăn do quyền sử dụng đất của từng thành viên chưa được xác lập cụ thể. Do đó, Luật Đất đai có nhiệm vụ quy định rõ ràng. Tình hình hiện nay nhức nhối ở nhiều gia đình. Nhiều vấn đề nợ xấu tòa án không thể xử lý được. Ngay cả tòa án cũng lúng túng, đây là vấn đề hết sức nhức nhối.

    Chính sách có hiệu lực từ tháng 12 năm 2017 Bổ sung thành viên gia đình vào sổ đỏ, điều kiện được vào casino, giảm lệ phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 12/2017.

Công Khanh - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm