Chiều 1/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo thường kỳ. Cùng ngày, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
-
- Thanh tra chính phủ có chỉ ra 69 dự án chuyển đổi đất sai phạm tại Hà Nội từ năm 2003 đến nay, nhiều dự án hình thành chung cư cao tầng, đã bán xong. Hà Nội sẽ xử lý thế nào? Nhiều dự án chuyển nhượng sai đất công, sang đất tư, Hà Nội đã làm rõ đến đâu?
- Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Với kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thành phố sẽ tổ chức thực hiện. Với các dự án BĐS, chúng tôi đã phân loại, rà soát, kể cả dự án chậm, dự án Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Nếu chậm chưa thực hiện sẽ thực hiện các chế tài xử lý.
-
Thủy sản thẻ vàng xử lý như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Quốc Doanh: Vấn đề thẻ vàng với thủy sản đang được Chính phủ chỉ đao quyết liệt, dưới sự phối hợp của các bộ, ngành. Tháng 5, đoàn đánh giá của EU đã đi khảo sát, nhưng vấn đề này không phải một sớm một chiều được. Họ cũng chỉ ra những vấn đề để chúng ta hoàn thiện. Thứ nhất là luật pháp, việc kiểm soát tàu và thực thi pháp luật. Còn một vấn đề nữa là cần phải truy xuất được nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu.
Bộ cũng đã chủ trì họp trực tuyến để chỉ đạo giải pháp cấp bách. Chúng ta cũng đang chuẩn bị đoàn giám sát của Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 10. Hy vọng đoàn sẽ có những đánh giá tích cực.
-
“Siêu ủy ban không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp”
Trả lời câu hỏi về kiểm soát hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh cho biết: Chủ trương của Chính phủ là không để xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh.
Vấn đề lớn nhất là Ủy ban này quản lý như thế nào, ông Mạnh nói Ủy ban sẽ giám sát vốn, các doanh nghiệp đang sử dụng thế nào, chứ không phải nơi sử dụng vốn, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ủy ban quản lý vốn phải xây dựng chuyên nghiệp, giám sát chứ không phải cơ quan hành chính.
-
Lãnh đạo Bộ Công an nói gì về tố cáo công an bảo kê ở chợ Long Biên?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn: Vụ việc xảy ra ở chợ Long Biên là không chấp nhận được. Nếu có sự bảo kê của cơ quan công an, nếu có thông tin đầy đủ, các bạn cung cấp cho công an. Công an Hà Nội đang vào cuộc trách nhiệm, với yêu cầu của Bộ là khẩn trương điều tra theo quy định, sớm kết luận vụ việc. Chúng tôi cũng cảm ơn và đánh giá sự chủ động vào cuộc, thông tin ban đầu của báo chí. Đây là luồng thông tin rất cần để đấu tranh với các loại tội phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn (phải). Ảnh: Ngọc Tân.
Hôm 20/9, một số cơ quan báo chí phản ánh hoạt động “bảo kê” diễn ra công khai tại chợ Long Biên thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo phản ánh, để được buôn bán và đỗ xe chuyển hàng, tiểu thương tại đây phải đóng tiền bãi. Theo quy định, tiểu thương khi vào cổng chợ chỉ mất 15.000 đến 60.000 đồng/lượt xe, xe nào vào trước thì đỗ trước.
Nhưng thực tế, họ phải nộp 200.000-350.000 đồng/lượt. Mỗi lần nộp tiền, tiểu thương chỉ được đi một mình, giao tiền trên tầng 2 của Ban quản lý chợ Long Biên và không nhận được biên lai, hóa đơn. Tại đây, có khoảng 300 tiểu thương phải đóng tiền đỗ xe.
Tại hội nghị trực tuyến với các quận, huyện, thị xã chiều 28/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng với hình ảnh được nêu trong phóng sự mà báo chí phản ánh thì các hành vi vi phạm pháp luật đã rõ. Ông Chung yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm, không để tình trạng này tái diễn.
Mới đây, UBND quận Ba Đình đã tạm đình chỉ công tác đối với một Phó ban quản lý chợ và chỉ đạo ban quản lý chợ tạm dừng hoạt động của 2 đội bốc xếp hàng hóa tại chợ Long Biên.
-
Hà Nội cam kết xử nghiêm vụ bảo kê ở chợ Long Biên
Trước câu hỏi về tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên trong thời gian dài không được giải quyết, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật, không có vùng cấm.
"Trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 500 chợ, 112 siêu thị, vẫn phục vụ nhân dân bình thường và tốt. Chúng tôi đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm BQL chợ, công an phường, đảm bảo hoạt động chợ. Chỗ nào để xảy ra vụ việc như Long Biên sẽ xử lý nghiêm", ông Sửu nói.
Ngày 1/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự cưỡng đoạt tài sản để điều tra về việc thu tiền “bảo kê” tại chợ Long Biên. Động thái trên được cơ quan điều tra thực hiện sau khi phát hiện có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản như báo chí phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Sửu. Ảnh: Ngọc Tân.
-
Đặt thêm trạm thu phí ở BOT Cai Lậy
Trả lời câu hỏi về đặt thêm trạm BOT vào tuyến tránh Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đang thực hiện thông báo kết luận họp Thường trực của Thủ tướng, trên cơ sở báo cáo về các phương án, có đánh giá của các bộ ngành, để chọn phương án tốt nhất. Từ tháng 4 đến nay, Bộ GTVT đã làm việc nhiều cơ quan liên quan, với cả Tiền Giang, bộ, ngành liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng để đánh giá.
Nhà nước không có tiền mua lại trạm, nhà đầu tư đã đầu tư và phải thu phí hoàn vốn. Bộ có 2 phương án, một là giữ nguyên trạm hiện hữu, giảm giá thu, thu thích hợp hơn; hai là đặt 2 trạm ở 2 nơi (quốc lộ 1 và tuyến tránh). Sau khi làm việc với Tiền Giang thì Bộ quyết định đặt 2 trạm để đảm bảo thu để hoàn vốn.
-
Tích cực chuẩn bị các văn kiện trình Hội nghị Trung ương 8
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các văn kiện trình Hội nghị Trung ương 8 và kỳ họp Quốc hội tới. Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong thời gian qua tích cực chuẩn bị các văn kiện, báo cáo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/10, Văn phòng Chính phủ cũng đã báo cáo những nội dung chuẩn bị này, đảm bảo đúng thời gian quy định.
-
-
Kết quả toàn diện
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin khái quát về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9. Ông cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận kết quả đạt được tháng 9 và 9 tháng rất toàn diện nhưng cần lưu ý đến các thách thức phía trước.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đà tích cực, dự kiến có 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, 4/12 chỉ tiêu đạt. GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Trong đó, cả 3 khu vực: Nông nghiệp,công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành không được chủ quan, cần nhìn rõ hơn các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể, nhất là trước tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, CPI tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7% và đặc biệt là giá xăng dầu tăng. Sức ép lạm phát còn rất lớn, cả do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… Ông đề nghị cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.
Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá giảm. Tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
-
Không để độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, ngày 1/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ có độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ông cho biết tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là phải xóa độc quyền.
Tinh thần này đã được thể hiện trong Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo.