Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/1, báo cáo công tác dân nguyện tháng 12 nêu nhiều vấn đề nóng thời gian qua, điển hình là vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 và vụ nhận hối lộ hàng trăm triệu để cho xe thông quan qua cửa khẩu.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, dự họp và thông tin cụ thể về các vụ việc này.
Xác định hành vi gian lận đấu thầu và đưa - nhận hối lộ
Liên quan đến vụ Công ty Việt Á, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri nhiều địa phương rất bức xúc khi công ty này thỏa thuận, chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và CDC một số tỉnh, thành phố nhằm thu lợi nhuận bất chính.
“Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước”, ông Bình nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm để có thông tin công khai, rộng rãi.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội. |
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết tới nay, liên quan vụ việc Công ty Việt Á, công an đã khởi tố 19 người ở Hải Dương, Bình Dương, Bộ Y tế, Bộ KH&CN… về tội danh đưa và nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ…
“Vụ án đang tiếp tục được đấu tranh mở rộng vì các đối tượng liên quan còn rất nhiều”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Theo ông, Bộ Công an và công an các địa phương sẽ làm rõ đến đâu - công bố công khai đến đó để điều chỉnh kịp thời quy định liên quan mua bán, đấu thầu vật tư, thiết bị phục vụ chống dịch.
Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quốc hội. |
Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến thông tin đơn vị này đang phối hợp với cơ quan điều tra, mở rộng và xử lý nhanh một số vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm, đặc biệt là vụ Việt Á.
"Vụ án đang trong tiến trình mở rộng điều tra với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chúng tôi đang phối hợp làm, tới đây xác định 2 hành vi là gian lận đấu thầu và đưa - nhận hối lộ", ông Tiến cho hay.
Vụ đưa - nhận hối lộ ở cửa khẩu rất nghiêm trọng
Liên quan tiêu cực trong thông quan hàng hóa ở cửa khẩu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề cập trực tiếp đến việc nhận hối lộ của một số cá nhân.
Theo ông, tình trạng ùn ứ nông sản khiến nông dân rất khó khăn. Trong khi đó, có những người lợi dụng tình trạng dịch bệnh, nhẫn tâm nhận tiền hàng trăm triệu. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa vấn đề này vào báo cáo dân nguyện một cách đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng thông tin lực lượng chức năng đã có điều chỉnh, báo cáo để kịp thời giải quyết.
Tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu ở Lạng Sơn kéo dài trong nhiều ngày khiến các xe container phải "nằm im" chờ thông quan. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo đó, Công an tỉnh Lạng Sơn đã lập chuyên án, khởi tố vụ án và bắt 3 người thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị liên quan hành vi đưa - nhận hối lộ.
Ông cho hay ba người này là nhân viên hợp đồng của đội trật tự đô thị chuyên phát vé, xếp lốt xe. Họ đã nhận 200-300 triệu đồng mỗi xe để bỏ qua thủ tục xếp lốt, trong khi bình thường một xe ở Lạng Sơn phải chờ trung bình 13-14 ngày mới có thể xuất khẩu hàng.
Nhận định đây là hành vi đưa - nhận hối lộ rất nghiêm trọng, thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết công an đang tiếp tục mở rộng vụ án và sẽ công bố vào các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chia sẻ cử tri rất lo lắng trước tình trạng xe nông sản ùn ứ ở cửa khẩu.
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng bộ, ngành hữu quan tiếp tục có giải pháp tích cực hơn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, và đảm bảo vận tải hàng hóa thông suốt.