Gia tộc Ambani là gia đình tài phiệt giàu có nhất tại châu Á. Theo Bloomberg, gia tộc Ấn Độ này sở hữu tổng tài sản lên đến 80 tỷ USD, trải dài các lĩnh vực từ năng lượng đến truyền thông, bán lẻ. Vợ vị đại gia Ấn Độ cũng nổi tiếng với bộ sưu tập túi xách, thời trang đồ hiệu đắt đỏ từ các thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Getty Images. |
Bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, gia đình tỷ phú Ambani đang triển khai kế hoạch xây dựng sở thú lớn nhất thế giới tại Gujarat - nơi gia đình này đang sống. Theo ông Parimal Nathwani, giám đốc công ty Reliance, khu phức hợp bảo tồn động thực vật dự kiến mở cửa vào năm 2023. Theo kế hoạch, khu bảo tồn sẽ nuôi các loài động vật quý hiếm như rồng Komodo, báo săn, chim quý... Ảnh: AP. |
Sở thú sẽ nuôi giữ hơn 100 loài động vật, chim và bò sát khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Dự án này được thực hiện trên khu đất rộng 280 mẫu Anh (113 ha), gần dự án lọc dầu tại Moti Khavdi. Bà Rebecca Gooch, giám đốc nghiên cứu tại Campden Wealth, nhận xét gia tộc giàu nhất châu Á dư thừa sức mạnh kinh tế để đổ tiền vào những dự án tưởng chừng "kỳ quặc". "Đầu tư vào không gian công cộng giúp hình ảnh của gia đình và tập đoàn họ đẹp hơn. Nó cũng khẳng định vị thế của giới giàu có và củng cố các di sản của gia tộc trong tương lai", bà nói. Ảnh: Bloomberg. |
Ông trùm than đá Indonesia Low Tuck Kwong cũng vừa xây thêm một sở thú gần công ty khai thác than của mình. Vị tỷ phú cho biết khu bảo tồn này được đầu tư xấp xỉ 4 triệu USD nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ bởi niềm "đam mê động vật" của ông. Tỷ phú giàu nhất Georgia - ông Bidzina Ivanishvili, cũng chi ít nhất 3 triệu USD vào một công viên tự nhiên gần đây. Ảnh: Shekvetili Dendrological Park. |
Một số siêu giàu châu Á lại đổ tiền vào các dự án thể thao. Ông Roman Abramovich,ông chủ tập đoàn sản xuất thép lớn thứ hai của Nga, mua lại câu lạc bộ bóng đá Chelsea vào năm 2003 với giá khoảng 223 triệu USD. Tỷ phú Steve Ballmer, cựu giám đốc điều hành Microsoft, từng chi 2 tỷ USD cho đội bóng rổ Los Angeles Clippers vào năm 2014. Năm 2018, tỷ phú đầu tư David Tepper mua lại đội bóng Carolina Panthers với giá 2,3 tỷ USD. Ảnh: Getty Images. |
Sự bùng nổ tài sản nhanh chóng của giới giàu có tại Trung Quốc cũng khiến các cự phú tại quốc gia này đổ xô vào đầu tư thể thao. Năm 2016, tỷ phú Zhang Jindong, nhà sáng lập hãng sản xuất thiết bị gia dụng Suning Appliance Group, đã chi 306 triệu USD mua lại phần lớn cổ phần kiểm soát của câu lạc bộ bóng đá Italy Inter Milan. Một tỷ phú khác là ông trùm bất động sản Gao Jisheng cũng mua lại đội Southampton của giải Ngoại hạng Anh với giá 257 triệu USD một năm sau đó. Ảnh: Getty Images. |
Bên cạnh thể thao và rừng tự nhiên, nhiều tỷ phú lại dành sự quan tâm và của cải vào các dự án nghệ thuật. Tỷ phú năng lượng Nga Leonid Mikhelson hiện xây dựng một trung tâm nghệ thuật đương đại trị giá 130 triệu USD tại Moscow. Một người khác là tỷ phú Viktor Vekselberg chi 40 triệu USD để trùng tu cung điện Shuvalov ở St.Petersburg, biến nơi đây thành bảo tàng trưng bày hơn 1.000 tác phẩm của nhà kim hoàn nổi tiếng Faberge. Ảnh: Getty Images. |
Nữ thừa kế của công ty Sino Biopharmaceutical - cô Thesera Tse và con trai tập đoàn Midea Group - anh He Xiangjian đều mở riêng một bảo tàng vào năm ngoái. Con gái của nhà sáng lập tập đoàn thiết kế nội thất Red Star Macalline Group Che Jianxing cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng một không gian nghệ thuật ở Bắc Kinh để trưng bày các sản phẩm thiết kế của Trung Quốc. Ảnh: Sino Biopharmaceutical. |
Sở hữu hầm rượu riêng cũng là một phương thức tiêu tiền độc đáo của giới giàu có. Năm 2016, tỷ phú Jack Ma chi đến 16 triệu USD mua lại Chateau de Sours, một trang trại rượu từ thế kỷ XVI, rộng 80 ha ở vùng Bordeaux, Pháp. Các nhân viên của Alibaba Group Holding thường được tặng loại rượu hoa hồng nổi tiếng từ trang trại. Ảnh: Hubert de Castelbajac. |