Dẫn chúng tôi thăm vườn cam Canh, bưởi Diễn trĩu quả, ông Long kể: “Trước đây, trang trại gần 2ha này của gia đình tôi trồng táo, ổi. Qua các phương tiện truyền thông báo, đài thấy mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn ở Hưng Yên và một số địa phương ở Hà Nội thu nhập rất cao, tôi quyết định chuyển hướng”.
Vậy là, cùng với vốn của gia đình và vay ngân hàng NNPTNT được 300 triệu đồng, ông bắt đầu kế hoạch trồng cam Canh, bưởi Diễn. Trước khi mua giống về trồng, ông đến các trang trại cam Canh, bưởi Diễn ở thành phố và xuống Hưng Yên để học hỏi kỹ thuật. Từ vài trăm gốc cam Canh, bưởi Diễn năm 2000, ông tăng lên gần 1.000 gốc. Nhưng năm 2008, do mưa bão kéo dài, diện tích cam của ông gần như bị mất trắng, thiệt hại lên đến 400-500 triệu đồng. “Tiếc của nhưng thú thực gắn bó với cam, bưởi rồi, tôi không muốn từ bỏ chúng”- ông Long tâm sự.
Khu trồng cam của ông Long. |
Ông tiếp tục vay ngân hàng khôi phục lại trang trại. Đến nay, trang trại cam Canh, bưởi Diễn của ông có 3.000 gốc, mỗi năm thu trên 10 tấn quả. Ông nói:“Tôi điều chỉnh để cây cho quả đúng vào dịp tết để bán được. Nhờ đó, mỗi năm tôi thu 600 triệu đồng từ cam, hơn 200 triệu đồng từ bưởi”. Năm 2012, ông Long ươm cây giống cam Canh, bưởi Diễn, đào, quýt để bán. Với giá 8.000 - 10.000 đồng/cây, mỗi năm với hơn 1 vạn cây giống, ông thu hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, trang trại của ông Long đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, 10 lao động thời vụ, tiền công 200.000 đồng/ngày. Ông còn bán chịu cho các lao động làm việc ở trang trại của gia đình mình cây con giống, cuối vụ thu hoạch mới phải trả tiền; hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng...