Nằm giữa một vòng xuyến ở thị trấn Le Beausset là bức tượng kim loại về một con ve sầu. Nó giương đôi mắt lồi nhìn lên bầu trời, dường như sẵn sàng bay đi mỗi khi có xe di chuyển ở bên dưới, theo Washington Post.
Bức tượng trị giá 34.000 USD mới được khánh thành vào năm ngoái. Nó là sự khẳng định về tầm quan trọng của loài côn trùng này ở thị trấn xinh đẹp của nước Pháp.
Tại miền Nam nước Pháp, ve sầu được người dân yêu thích do chúng làm nên những âm thanh đặc trưng của mùa hè. Loài côn trùng này thường xuất hiện ở thị trấn Le Beausset, khiến nơi này tự xưng là “thủ phủ ve sầu”.
Tại đây, du khách có thể mua đồ lưu niệm in hình con ve sầu như bưu thiếp, khăn trải bàn hay gốm sứ. Người ta còn có thể mua các loại băng đĩa ghi âm tiếng ve sầu chói tai.
Hàng năm người dân khắp miền Nam nước Pháp thường chờ đợi để được nghe “điệp khúc ve sầu”. Giờ đây, họ vừa hoang mang vừa ngạc nhiên khi đọc tin tức về “cuộc xâm lược ve sầu” đang diễn ra ở Mỹ.
Văn hóa ve sầu
So với tình hình ở Mỹ, ve sầu ở Pháp xuất hiện với mật độ thấp hơn. Song người Pháp vẫn cảm thấy bất ngờ khi người Mỹ coi ve sầu là một vấn đề đáng lo ngại.
Chuyên gia Stéphane Puissant từ Vườn Khoa học và Đa dạng Sinh học của thành phố Dijon, Pháp, cho biết: “Tại khu vực Provence, ve sầu thường xuất hiện trên phương diện văn hóa”.
Theo một truyền thuyết của địa phương, những con ve sầu được gửi đến từ thiên đường để giúp loài người không ngủ gật trong cái nóng trưa hè. Song người dân Provence nhận thấy âm thanh này thật êm dịu.
Nằm giữa một vòng xuyến ở thị trấn Le Beausset là bức tượng kim loại về một con ve sầu. Ảnh: France Bleu. |
“The Cicada and the Ant” (Tạm dịch: Con ve sầu và con kiến) là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Pháp. Nhà thơ Jean de La Fontaine lấy cảm hứng từ truyện ngụ ngôn Aesop và xuất bản tác phẩm này vào năm 1668.
Tiếng ve sầu trong thơ của La Fontaine ám chỉ đời sống khó khăn của giới nghệ sĩ. Do đó, đến thế kỷ XIX, một nhóm các nhà văn ở Provence đã lấy hình ảnh con ve sầu vàng làm biểu tượng, cùng với khẩu hiệu “Mặt Trời làm tôi hát”.
Chuyên gia Puissant cho rằng ve sầu thường gợi nhớ đến sự ấm áp và ánh sáng.
Ông François Dusoulier, quản lý tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp, cho biết ve sầu ở nước này “thực sự gắn liền với những ngày lễ và những nơi đầy nắng”. Theo ông Dusoulier, đây là “một hình ảnh thực sự tích cực”.
Để thể hiện tình cảm của người dân với loài côn trùng này, Thượng viện Pháp năm 2021 đã bỏ phiếu, xếp loại tiếng ve sầu - cùng với mùi bò, tiếng gà trống gáy - là di sản quốc gia cần được bảo vệ.
Đừng động vào ve sầu
Khi ve sầu bị chỉ trích, ông François Dusoulier cho rằng những đô thị lớn đang dần mất liên kết với các yếu tố tự nhiên.
Yves Pujol, một ca sĩ sống ở Provence, đồng ý rằng chỉ người dân ở thành phố mới có thái độ tiêu cực với loài ve sầu. Ông Pujol nhận xét: “Họ không bận tâm đến tiếng ồn của xe cứu thương suốt ngày đêm, nhưng tiếng ve sầu lại làm phiền họ”.
“Việc này vô lý như thể che khuất Mặt Trời. Điều ấy là không thể”, ông Pujol ví von.
Năm 2018, khách du lịch tại thị trấn Le Beausset đã phàn nàn về loài ve sầu và đề xuất sử dụng thuốc trừ sâu. Để phản đối việc này, ca sĩ Pujol đã viết một bài hát, trong đó thể hiện quan điểm cá nhân một cách mạnh mẽ. “Đừng động vào ve sầu”, ông Pujol viết.
Thị trấn Le Beausset ở miền nam nước Pháp. Ảnh: Getty. |
Bài hát dường như tạo được sự đồng thuận trong người dân địa phương. Trên YouTube, bài hát có đến 250.000 lượt xem. Nó nhanh chóng trở thành một bài hát phổ biến khi được ông Pujol trình diễn ở nhiều buổi hòa nhạc.
Ông Philippe Marco, cựu phó thị trưởng phụ trách các vấn đề văn hóa, lễ hội và di sản của thị trấn Le Beausset, bình luận về bức tượng ve sầu trên vòng xuyến: “Ve sầu sẽ không bị tiêu diệt dù điều gì xảy ra. Nó sẽ mãi ở đây, không bị thuốc trừ sâu đánh bại”.
Trên bình diện quốc gia, việc các đảng ủng hộ ve sầu và gà trống cho thấy họ có thể đấu tranh cho lá phiếu của cử tri nông thôn trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022. Song ở Le Beausset, người dân không muốn chính trị hóa loài côn trùng này.