Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thư nước Nhật: 'Điều lầm tưởng trong vụ ám sát ông Abe'

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/7 không hề liên quan tới câu chuyện kiểm soát súng như một số người có thể lầm tưởng.

ong Abe bi am sat anh 1

Người Việt ở Tokyo: Tôi bất ngờ với phản ứng của dân Nhật về vụ ám sát Chị Vân Hoàng, trú tại Tokyo, nói hiện vẫn thấy buồn vì vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe 4 ngày trước nhưng lúc này đã bình tĩnh hơn.

Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên gương mặt đượm buồn.

Hàng người đứng chắp tay cầu khấn sau khi đặt hoa tưởng nhớ ông Shinzo Abe.

Những bó hoa bao quanh di ảnh của cựu lãnh đạo quá cố trên bàn tưởng niệm.

Hàng dài những người yêu mến ông Abe, tới tận nơi để tỏ lòng thành kính.

Đó là những hình ảnh có thể bắt gặp ở chùa Zojoji - nơi sẽ diễn ra tang lễ ngày 12/7 - hay khu tưởng niệm ở trụ sở đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, tư gia của ông Abe tại Tokyo và cả đài tượng niệm tạm thời tại hiện trường vụ ám sát ở thành phố Nara.

Nhiều người cũng khó có thể cầm lòng được khi nhìn thấy hình ảnh phu nhân của ông Shinzo Abe - bà Akie - lặng khóc, đôi mắt nhắm nghiền, khi bà ngồi trên ghế trước của chiếc xe tang đưa thi hài chồng tới chùa Zojoji hôm 11/7.

ong Abe bi am sat anh 2

Bà Akie lặng khóc, đôi mắt nhắm nghiền, khi bà ngồi trên ghế trước của chiếc xe tang đưa thi hài chồng tới chùa Zojoji. Ảnh: Reuters.

Tiếc thương

Đã bốn ngày trôi qua kể từ khi vụ ám sát khiến cả nước Nhật rung chuyển xảy ra hôm 8/7, sau cú sốc và sự bàng hoàng khó có thể diễn ra bằng lời, tôi hiện bình tâm hơn dù vẫn còn buồn.

Trên thế giới, chính quyền nhiều nước đã treo cờ rủ để bày tỏ sự tiếc thương đối với sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe.

Với cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, rất nhiều người có cảm tình với ông Abe. Một số người bạn của tôi hôm nay cũng muốn đến viếng ông Abe ở chùa Zojoji nhưng vì bận đi làm, việc công ty khá bận nên cũng không có điều kiện đến viếng. Nhưng nhiều người nói rằng cuối tuần có thời gian thì sẽ qua chùa để viếng.

Chính sách cởi mở với người nhập cư hơn của chính quyền dưới thời ông Abe đã có phần ghi điểm với cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Tôi cho rằng sự già hóa dân số, thiếu hụt về lực lượng lao động, đặc biệt là lao động phổ thông sẽ khiến Nhật Bản cần có những chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài cởi mở hơn nữa, đặc biệt là phải cải thiện môi trường lao động, thân thiện hơn với người nước ngoài, hỗ trợ người nước ngoài về mặt tiếp nhận ngôn ngữ, văn hoá. Có như thế, lao động người nước ngoài mới lựa chọn đến Nhật Bản.

ong Abe bi am sat anh 3

Cặp đôi giơ bức tranh vẽ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi tới bày tỏ sự tiếc thương trước tư gia của ông ở Tokyo hôm 10/7. Ảnh: AFP.

Thực sự rất nhiều người thương tiếc sự ra đi của vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Khi lễ viếng tại chùa Zojoji bắt đầu hôm 11/7, thời tiết ở Tokyo âm u và có mưa lắc rắc nên khiến không khí vô cùng buồn bã và đìu hiu, ảm đạm.

Vụ ám sát không tác động nhiều tới kết quả bầu cử

Những đồng nghiệp người Nhật xung quanh tôi, họ cũng rất buồn nhưng điều khiến tôi khá bất ngờ là họ bình tĩnh hơn tôi rất nhiều, kêu gọi mọi người cùng đi bầu cử vào hôm 10/7 vừa qua, họ động viên nhau là cần phải biến nỗi buồn, hay là sự tức giận thành hành động cụ thể và tích cực.

Tinh thần đó chính là câu trả lời rõ nét nhất cho những lo ngại được nêu lên trên truyền thông Nhật Bản sau khi vụ ám sát xảy ra, cho rằng nhiều chính trị gia sẽ hủy lịch vận động bầu cử ngoài trời vì sợ bất trắc.

Trên thực tế, không hề xảy ra bất cứ hiện tượng hủy bỏ lịch trình nào như vậy, mọi hoạt động liên quan đến bầu cử diễn ra bình thường, các ga lớn vẫn có người diễn thuyết và đám đông tập trung, chỉ có điều họ cẩn trọng hơn. Thông tin di chuyển, lịch trình không được công khai như trước nữa.

ong Abe bi am sat anh 4

Người phụ nữ lau nước mắt tại nơi dâng hoa ở chùa Zojoji, Tokyo, Nhật Bản hôm 11/7. Ảnh: Reuters.

Liên minh cầm quyền, gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Komeito, thắng lớn trong cuộc bầu cử, kiểm soát 146 trong tổng số 248 ghế Thượng viện.

LDP vốn vững mạnh và có chiến lược vận động tranh cử, tạo dựng hình ảnh tốt nên tôi không quá bất ngờ với chiến thắng áp đảo của họ, nếu không muốn nói là điều đương nhiên.

Tôi cũng không cho rằng việc ông Abe bị ám sát có tác động hay ảnh hưởng quá lớn đến kết quả bầu cử. Đồng nghiệp người Nhật của tôi ở Tokyo thậm chí còn khẳng định việc ông Abe bị ám sát là một bi kịch đáng buồn nhưng họ vẫn sẽ bầu cử theo niềm tin và lựa chọn từ ban đầu của bản thân.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 11/7 cam kết sẽ hoàn thành các nguyện vọng dang dở của ông Abe.

"Chúng tôi sẽ kế thừa tâm nguyện của ông ấy và giải quyết những vấn đề mà ông ấy chưa hoàn thành", Thủ tướng Kishida nhấn mạnh trong bài phát biểu sau khi liên minh cầm quyền của đảng LDP thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện.

Trong suốt thời gian nắm quyền, ông Abe từng dành nhiều tâm sức để biến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành một quân đội chính quy chính thức và toàn diện. Ông cũng muốn sửa đổi Điều 9 hiến pháp, cho phép Nhật Bản có quyền sử dụng sức mạnh quân sự tự do hơn.

ong Abe bi am sat anh 5

Chính phủ Nhật Bản ngày 11/7 truy tặng cố Thủ tướng Shinzo Abe Huân chương Mặt Trời mọc hạng nhất - hình thức vinh danh cao quý nhất tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Hiện phe ủng hộ cải tổ hiến pháp nắm 179 ghế Thượng viện. Đồng thời, 4 đảng ủng hộ cải tổ hiến pháp cũng nắm hơn hai phần ba số ghế ở Hạ viện. Điều này đang bắt đầu châm ngòi cho những bàn luận về khả năng sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản khi đảng LDP của Thủ tướng Kishida giờ đã có đủ khả năng để thúc đẩy sự sửa đổi này tại Quốc hội.

Hiến pháp Nhật Bản có hiệu lực từ năm 1947, từ khi ra đời không có bất kì thay đổi nào. Việc Nhật sửa đổi điều 9 trong bản Hiến pháp là một điều quá lớn và trọng đại và nếu thực sự có thay đổi thì cũng sẽ không phải 1, 2 năm nữa mà có thể phải mất rất nhiều năm mới có thể thực hiện được. Các thủ tục để thay đổi Hiến pháp không hề đơn giản.

Những người xung quanh tôi có rất nhiều ý kiến, có người phản đối, có người đồng tình. Nhưng bản thân tôi thấy điều 9 trong bản Hiến pháp đó thực sự là một cái gì đó rất Nhật, dù không duy trì quân đội nhưng họ vẫn đảm bảo và gìn giữ được hoà bình, và nhiều người bạn của tôi lên tiếng rằng tại sao phải thay đổi điều 9 trong bản Hiến pháp đó trong khi cuộc sống ở Nhật đang rất yên bình như thế.

Hành động khó lường

Truyền thông Nhật Bản vẫn đang tiếp tục cập nhật tường tận các chi tiết về vụ ám sát, từ kế hoạch, suy nghĩ của nghi phạm tới video hiện trường, hay phân tích chỉ ra những lỗi sai, thiếu chuyên nghiệp của những người tham gia bảo vệ ông Abe hôm xảy ra vụ án.

Thực ra tôi không quá bất ngờ với hành vi của nghi phạm trong vụ ám sát này. Ở Nhật, tôi thấy nhìn chung cuộc sống yên bình, vấn đề trị an cũng rất tốt, nhưng thỉnh thoảng có những vụ án rất kinh hoàng, không thể lường trước được.

Vào năm ngoái từng xảy ra 2 vụ án trên tàu điện, có người cầm dao đâm rất nhiều phụ nữ với cái cớ là tức giận khi nhìn thấy bất cứ người phụ nữ nào hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng họ có thể là những người mang sẵn trong mình sự bất mãn với xã hội, với thời cuộc, hay với chính bản thân, nên phải tìm cách trút lên đầu ai đó.

ong Abe bi am sat anh 6

Nghi phạm Tetsuya Yamagami bị áp giải từ sở cảnh sát tại tỉnh Nara hôm 10/7. Ảnh: AFP.

Nghi phạm trong vụ ám sát ông Abe khẳng định không hành động vì động cơ chính trị thì tôi cũng có thể hiểu được phần nào đó, bởi trong xã hội Nhật cũng có những người mang sẵn trong mình bất mãn và hành vi của họ rất đáng sợ, không thể kiểm soát.

Chính vì vậy, vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe không hề liên quan tới câu chuyện kiểm soát súng như một số người có thể lầm tưởng. Việc nghi phạm dùng một khẩu súng tự chế thực ra lại cho thấy rõ hơn sự kiểm soát súng nghiêm ngặt ở đây.

ong Abe bi am sat anh 7

Nghi phạm dùng khẩu súng tự chế thô sơ, được làm bằng hai ống kim loại buộc lại với nhau, và cố định bằng bảng gỗ cùng băng dính. Ảnh: AP.

Ngay cả các tổ chức tội phạm khét tiếng của Nhật Bản cũng ít khi sử dụng súng. Ai đó nếu nghĩ tới việc dùng súng ở Nhật Bản sẽ buộc phải dùng đến những phương pháp bất thường và khó khăn, như tự chế súng - một việc đòi hỏi thời gian và chuyên môn, đồng thời chứa đựng nhiều rủi ro.

Sau vụ ám sát, bạn bè người Việt của tôi ở đây có chia sẻ là sẽ hạn chế đến những nơi tụ tập đông người hoặc có người diễn thuyết bầu cử để tránh bị liên lụy, gặp tình huống khó lường. Tuy nhiên, người dân địa phương không có những phản ứng như vậy, có chăng chỉ là các cơ quan chức năng sẽ thắt chặt an ninh hơn.

Có lẽ sau vụ ám sát ông Abe, các chính trị gia cần có sự chuẩn bị đảm bảo an ninh nghiêm ngặt hơn, tất nhiên việc kiểm soát tốt sẽ đảm bảo được an toàn cho cả người dân, những người tham gia và lắng nghe các buổi diễn thuyết.

Hàng nghìn người đưa tiễn ông Abe lần cuối Hàng nghìn người dân Nhật Bản cùng các quan chức đã xếp hàng trên nhiều tuyến phố để tiễn biệt cố Thủ tướng Shinzo Abe hôm 12/7.

Thư nước Nhật: Tôi bất ngờ với cách mọi người đối diện vụ ám sát

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Nara ngày 8/7 có lẽ sẽ khiến nước Nhật thay đổi từ tận bên trong, từ cảm thức của người dân về sự bất ổn và bạo lực ngấm ngầm.

Thư nước Nhật: 'Chị ơi, em bật khóc khi nghe tin ông Abe qua đời'

“Cả nước Nhật sẽ thương nhớ ông Shinzo Abe”, bạn bè và đồng nghiệp của tôi ở Tokyo, Nhật Bản chia sẻ.

Thư nước Nhật: ‘Cả đất nước rung chuyển vì tin ông Abe bị bắn’

Giờ nghỉ trưa, tôi vừa quay lại với mạng xã hội sau khi quay cuồng với công việc thì hàng loạt tin nhắn ập tới: “Ông Shinzo Abe bị bắn!”.

Vân Hoàng

từ Tokyo, Nhật Bản

Bạn có thể quan tâm