Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên làm việc ngày 7/12 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014 của thành phố, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong năm 2013, GDP của thành phố dự kiến đạt 764.444 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2012, gấp 1,65 lần năm 2010.
Dự kiến tăng trưởng GDP trong 3 năm, từ 2011-2013 đạt 9,6% (năm 2011 tăng 10,3%, 2012 tăng 9,2%), gấp 1,7 lần tốc độ tăng của cả nước. Đáng chú ý, ông Quân cũng tiết lộ, mức GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2013 của người dân TP.HCM ước đạt 4.513 USD/người, gấp 1,4 lần so với năm 2010.
TPHCM đang là thành phố năng động nhất trên cả nước. |
Trong khi đó, tính chung cả nước, trong năm 2013 này, tăng trưởng GDP dự kiến chỉ ở mức 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 đã tăng 5,6%/năm; đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến, GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.
Một số chỉ tiêu vĩ mô cơ bản khác như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lãnh đạo TP.HCM cho biết, vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt, năm 2013 ước tăng 5,1%.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm nay ước đạt 1,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,33 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 229.514 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Vốn huy động của hệ thống ngân hàng ước tăng 11%, dư nợ tăng 9%. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 ước khoảng 225.840 tỷ đồng, trong 3 năm (2011-2013) khoảng 645.851 tỷ đồng.
Trong số 25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2013, thành phố có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 15 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra (bao gồm tốc độ tăng GDP, tổng vốn đầu tư phát triển, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ xử lý nước thải y tế).
Giai đoạn 2014-2015, thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đạt từ 10,5-11%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 4.800 USD. Trong đó, tốc độ tăng các ngành dịch vụ đạt từ 10,9-12,1%; tốc độ tăng ngành công nghiệp từ 11,3-12,6%; tốc độ tăng ngành nông nghiệp từ 4-5%; tỷ lệ hộ nghèo (mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) dưới 3%.
Đánh giá cao những nỗ lực sáng tạo của thành phố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị TPHCM cần tích cực phát huy vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trong bối cảnh thuận lợi có sự ổn định chính trị xã hội trong nước, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi.
Thủ tướng cũng đề nghị thành phố phải là đầu tàu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, năng suất lao động cao, có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư từ các công ty lớn của nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao.