Theo đó, thu nhập bình quân đầu người tại Bình Dương cao hơn TP.HCM với 6,53 triệu đồng/tháng, Hà Nội 5,98 triệu đồng/tháng. 5 địa phương khác có mức thu nhập bình quân tháng hơn 5 triệu đồng gồm Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Điện Biên, Sơn La là 2 tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, 1,737 và 1,745 triệu đồng/tháng.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Trong khi đó, bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng 8%.
8 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020 | |||||||||
Nhãn | Bình Dương | TP.HCM | Hà Nội | Đồng Nai | Bắc Ninh | Đà Nẵng | Hải Phòng | Cần Thơ | |
Triệu đồng | 7.01 | 6.53 | 5.98 | 5.62 | 5.43 | 5.28 | 5.19 | 5.03 |
Cụ thể năm 2020, khu vực thành thị thu nhập bình quân đầu người đạt 5,53 triệu đồng/tháng, cao hơn gần 1,6 lần khu vực nông thôn 3,48 triệu đồng/tháng.
Nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số) có thu nhập bình quân đầu người đạt 9,1 triệu đồng/tháng, cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (gồm 20% dân số), với mức thu nhập đạt 1,13 triệu đồng.
Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ đạt 6,02 triệu đồng/tháng, cao gấp 2,2 lần vùng Trung du và miền núi phía Bắc 2,74 triệu đồng/tháng.
Tổng cục Thống kê đánh giá, cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3% ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2% ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.
Cũng theo khảo sát, năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, do đó chi tiêu tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016).
Tốc độ tăng chi tiêu năm 2020 thấp hơn so với với thời kỳ trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Cụ thể, các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng khoảng 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng.
Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất cả nước khoảng 3,9 triệu đồng/người/tháng. Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (khoảng 2,1 triệu đồng/người/tháng).
Năm 2020 người dân chi tiêu cho đời sống bình quân là 2,7 triệu đồng/người/tháng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,69 triệu đồng và không phải ăn uống xấp xỉ 1,2 triệu đồng.
Về tiêu dùng lương thực, thực phẩm, qua số liệu cho thấy các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột. Lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020.
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ rượu bia cũng có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 lít/người/tháng so với 1,3 lít/người/tháng).
Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được tiến hành theo Quyết định số 1261/QĐ-TCTK ngày 19/8/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.