Trong buổi làm việc mới đây với VNPT, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, VNPT đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về tái cơ cấu, bán phần vốn ngoài ngành.
Thủ tướng rất khen ngợi tập thể lãnh đạo VNPT trong thống nhất thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng. Không phải nơi nào cũng được như vậy.
Tái cơ cấu đã tác động tốt đối với VNPT là thu nhập của người lao động tăng lên 60%
. |
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá VNPT đã thực hiện tái cơ cấu thành công,các chỉ số đánh giá sau tái cơ cấu có chất lượng tốt. Sau khi tái cơ cấu, thu nhập người lao động của VNPT từ ở mức 11,7 triệu đồng/tháng thì đến hết 2016 đã tăng 18 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết: "Trước khi tái cơ cấu, VNPT chỉ chiếm 17,45% thị phần di động, còn hôm nay chúng tôi đã đạt 23,71% thị phần, đó là điều quan trọng. Thị phần ở đây được VNPT xác định là thuê bao có phát sinh cước.
Trước tái cơ cấu, VNPT chỉ có 4.000 nhân viên kinh doanh thì bây giờ đã lên đến 15.000 nhân viên. Với một hệ thống kênh bán hàng rộng như thế thì VNPT mới đủ sức bao phủ việc chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ khách hàng và cạnh tranh được với đối thủ".
“Năm 2016, doanh thu VNPT tăng khoảng 7%, và các dịch vụ chính đều tăng trên 10%. Tuy nhiên có những dịch vụ đang trong thời thoái trào mà có lẽ chỉ có VNPT có, đó là điện thoại cố định, hoặc quốc tế chiều về bị trộm cước quá nhiều nên giảm mạnh, dẫn đến tổng thể chỉ tăng có 7%.
Đặc biệt, lợi nhuận của VNPT trong năm 2016 tăng trên 20%. Như vậy, 3 năm liền tái cơ cấu lợi nhuận của VNPT đều tăng trên 20%”, ông Phạm Đức Long nói. Ông Phạm Đức Long cho biết, một con số thuyết phục cho việc tái cơ cấu đã tác động tốt đối với VNPT là thu nhập của người lao động tăng lên 60%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau tái cơ cấu, doanh thu của VNPT đi ngang, tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu vẫn chưa cao, nhưng lợi nhuận tăng gấp đôi. Trả lời về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, trước đây VNPT đã lao vào cuộc chạy đua doanh thu với đối thủ. Hệ quả của việc chạy đua này là doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận không có. Thế nhưng, hiện VNPT đặt mục tiêu hiệu quả lên hàng đầu nên doanh thu thật, thuê bao thật và lợi nhuận thật. Vì vậy, doanh thu không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng mạnh.
Hiện chưa có con số chính xác để so sánh thu nhập của cán bộ nhân viên giữa các doanh nghiệp viễn thông vì nhiều doanh nghiệp không đưa ra con số thống kê này.
Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch cho biết hiện MobiFone có 4.000 cán bộ nhân viên. Như vậy, mỗi người MobiFone đang đóng góp cho ngân sách nhà nước là trên 1 tỷ đồng/người/năm. Đây là con số khá cao nếu so với các doanh nghiệp khác. Nếu tính trên tổng doanh thu năm 2016, năng suất lao động bình quân của nhân viên MobiFone là 9,6 tỷ đồng/người/năm. Tuy nhiên, MobiFone không công bố thu nhập cán bộ nhân viên MobiFone.
Hiện Viettel chưa công bố con số thu nhập bình quân cán bộ nhân viên của mình, nhưng theo con số Viettel công bố năm 2013 thì thu nhập bình quân của nhân viên là 23,7 triệu đồng/người/tháng - đây là mức cao nhất so với thu nhập của các doanh nghiệp viễn thông thời điểm đó. Cuối năm 2015, Viettel Hà Nội thu nhập bình quân cán bộ nhân viên là 26,57 triệu đồng/người/tháng. Năng suất lao động đạt hơn 4,2 tỷ đồng/người/năm.