Đây là số liệu được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra sáng nay (16/7).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, số thu ngân sách Nhà nước đã đạt 781.000 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 (chưa bùng phát dịch Covid-19), số thu năm nay cao hơn 4,5%.
Theo thống kê, đây là mức thu ngân sách nửa năm cao nhất từ trước đến nay, đồng thời, 6 tháng vừa qua cũng là giai đoạn thu ngân sách đạt tiến độ cao nhất so với dự toán cả năm được Quốc hội giao.
Trong số thu kỳ này, thu nội địa đạt 56,3% dự toán và tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7% nhưng giảm 12,2%; trong khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán và tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa đạt trên 50%, trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán và 54 địa phương có tăng trưởng thu. Đặc biệt, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%.
SỐ THU NGÂN SÁCH 6T ĐẦU HÀNG NĂM | ||||||||
Nguồn: Bộ Tài chính, tổng hợp | ||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Thu ngân sách | tỷ đồng | 446120 | 476800 | 563500 | 651700 | 745400 | 668700 | 781000 |
Tỷ lệ so với dự toán | % | 49 | 47 | 46.5 | 49.4 | 52.8 | 44.2 | 58.2 |
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng kết quả thu ngân sách 6 tháng qua rất tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu trong các tháng tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, số chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 694.400 tỷ đồng, chỉ bằng 41,2% dự toán. Trong đó nhiều khoản chi quan trọng nhưng chỉ đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.
Cụ thể, chi đầu tư phát triển chỉ đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6%, chi thường xuyên đạt 48,3%. Tuy nhiên, số chi thường xuyên vẫn đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Riêng về chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng đã giao. Đồng thời, giải ngân vốn 6 tháng mới đạt 29,02% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04%).
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt cao kỷ lục có đóng góp lớn từ số thu do cơ quan thuế quản lý trong giai đoạn này. Ảnh: Nam Khánh. |
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước khi 6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch. Mức chi kể trên chưa đủ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu là do các bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.
Với tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách kể trên, cân đối ngân sách nửa đầu năm đã có thặng dư. Số này bao gồm 150.000 tỷ đồng thặng dư ở ngân sách địa phương nhưng ngân sách trung ương lại bội chi gần 63.000 tỷ đồng.
Trong công tác quản lý nợ Chính phủ và nợ Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính cho biết đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ nằm trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ cũng được điều hành theo tiến độ thu, chi ngân sách. Trong đó, 6 tháng đầu năm đã phát hành 141.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, kỳ hạn phát hành là 12,19 năm với lãi suất bình quân 2,26%/năm.