Truyền thông Syria ngày 15/12 đưa tin thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Ahmad al-Shara cùng ngày đã có cuộc tiếp xúc với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen tại thủ đô Damascus của Syria để thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Theo trang tin al-Watan Online, ông Al-Shara, còn được biết đến với tên gọi là Abu Mohammed al-Julani, cho biết Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua vào năm 2015 liên quan đến quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria, hiện cần được cập nhật để phản ánh thực tế hiện nay tại quốc gia này, đồng thời kêu gọi một "cách tiếp cận mới" phù hợp với giới lãnh đạo mới và hoàn cảnh đang thay đổi của Syria.
Phát biểu trong cuộc gặp quan chức Liên Hợp Quốc, ông al-Shara nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác "nhanh chóng và hiệu quả" để giải quyết nhu cầu của người dân Syria, khôi phục sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và mở đường cho công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi "các bước đi thận trọng, có chủ đích" trong việc phục hồi các thể chế nhà nước để đảm bảo hình thành một hệ thống quản trị "mạnh mẽ và hiệu quả".
Bên cạnh đó, thủ lĩnh HTS cũng cam kết thiết lập môi trường an toàn để người tị nạn Syria hồi hương, đồng thời cho biết các biện pháp này đang được thực hiện với "sự thận trọng cao độ" và được các nhóm chuyên trách giám sát để đảm bảo kết quả tối ưu vì tương lai của đất nước.
Về phần mình, ông Pedersen cho biết Liên Hợp Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình đang diễn biến nhanh chóng ở Syria và mong đợi những bước tiếp theo hướng tới quá trình chuyển tiếp chính trị sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Damascus, ông Pedersen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thể chế nhà nước Syria được khôi phục hoàn toàn chức năng của mình trong điều kiện an toàn.
Ông Pedersen cho biết ông không muốn chứng kiến bất kỳ hành động trả thù nào. Ông nhấn mạnh cần phải đảm bảo rằng các thể chế nhà nước hoạt động trở lại, được hỗ trợ bằng các biện pháp bảo đảm an ninh cần thiết.