He Chuan Yang sinh ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc, trong một gia đình có điều kiện khá giả, cha mẹ đều là công chức nhà nước. Cha của He là giám đốc văn phòng tuyển sinh địa phương, mẹ He cũng giữ chức vụ quan trọng trong một cơ quan nhà nước tại địa phương.
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, cha mẹ đều là thành phần trí thức, ngay từ nhỏ, He được thừa hưởng một nền giáo dục tốt.
He Chuan Yang từng bị nhiều đại học từ chối nhận do gian dối lý lịch để lấy điểm ưu tiên. Ảnh: Sohu. |
Thành tích học tập xuất sắc từ khi còn nhỏ
Năm lên 4 tuổi, He Chuan Yang bắt đầu đọc các tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc. He cũng vào tiểu học sớm hơn các bạn cùng trang lứa khi vừa tròn 5 tuổi.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc, He được nhận vào trường trung học trọng điểm ở địa phương. Suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, He chưa bao giờ khiến cha mẹ phải lo lắng về thành tích học tập xuất sắc của mình.
Trong mắt thầy cô, He là học sinh chăm chỉ, có phong độ ổn định, điểm số luôn nằm ở vị trí đầu tiên trong mọi kỳ thi.
Năm 2009, He tham gia kỳ thi đại học, giành vị trí thủ khoa ban xã hội của tỉnh Trùng Khánh với số điểm 659/750. Với số điểm này, He gần như chắc chắn trúng tuyển vào những trường hàng đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh.
Bản thân He cũng rất hài lòng với số điểm này, tự tin điền nguyện vọng vào Đại học Bắc Kinh mà mình mơ ước từ lâu. Tuy nhiên, khi cả gia đình đều đang chìm trong niềm hạnh phúc, chờ đợi thông báo nhập học từ Đại học Bắc Kinh, tin dữ ập đến.
He Chuan Yang cuối cùng cũng trúng tuyển Đại học Bắc Kinh và có công việc tại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Sohu. |
Sự thật bị phanh phui
Hồ sơ thi đại học của He Chuan Yang bị phát hiện có vấn đề. He và gia đình vốn là người dân tộc Hán - dân tộc có dân số đông nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin trong hồ sơ thi đại học của He lại được sửa đổi thành dân tộc thiểu số khác.
Theo quy định của kỳ thi đại học ở Trung Quốc, các thí sinh người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cộng điểm ưu tiên. Điều này nhằm thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người dân các dân tộc thiểu số, khuyến khích con em họ tiếp tục con đường học tập.
Khi He bắt đầu học năm lớp 12, cha mẹ He đã lợi dụng chức vụ của mình để thay đổi thông tin trong hồ sơ thi đại học, giúp con trai được cộng thêm 10 điểm ưu tiên dành cho thí sinh người dân tộc thiểu số.
Hàng năm, Trung Quốc có đến hàng triệu thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Cuộc chạy đua trở nên ngày càng khốc liệt khi thí sinh đông nhưng chỉ tiêu vào các trường đại học hàng đầu chỉ có hạn.
Việc được cộng 10 điểm là một lợi thế rất lớn khiến nhiều người muốn lợi dụng kẽ hở của quy định để tăng thêm cơ hội cho con em mình.
Sau khi sự việc đáng xấu hổ này bị phanh phui, He Chuan Yang và gia đình hứng chịu sự chỉ trích nặng nề. Ban tuyển sinh Đại học Bắc Kinh ngay sau đó đã gửi thông báo từ chối nhận He, tất cả thỏa thuận trước đó về việc nhập học đều bị hủy bỏ vì He và gia đình có hành vi gian dối.
Nhiều cư dân mạng cảm thấy đáng tiếc cho He, với thành tích học tập xuất sắc của mình, dù không được cộng thêm 10 điểm ưu tiên, nam sinh thủ khoa vẫn có cơ hội trúng tuyển ngôi trường mình mơ ước.
Sau khi sự việc được điều tra rõ ràng, cha mẹ của He bị sa thải vì làm trái quy định. He cũng không được bất cứ ngôi trường nào chấp nhận dù điểm số rất cao. Điều này khiến tâm trạng He rất suy sụp, cả ngày nhốt mình trong phòng.
Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của thầy cô và bạn bè, He dần lấy lại được tự tin và quyết tâm sẽ quay trở lại trường học, học lại một năm và tiếp tục dự thi vào năm sau.
Năm 2010, He giành được số điểm 674/750 trong kỳ thi đại học, nằm trong top 10 thí sinh điểm cao nhất ban xã hội của thành phố Trùng Khánh. Lần này, He cuối cùng được như ý nguyện, thành công được nhận vào Đại học Bắc Kinh.
Sau 4 năm đại học, nhờ thành tích xuất sắc, He thành công hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh của Đại học Bắc Kinh, đồng thời được tuyển dụng vào một công ty tài chính của nhà nước.