Ngày 27/5, Tân Hoa Xã đưa tin vấn đề thuế quan trong giới nghệ sĩ là chủ đề nổi cộm thời gian qua ở showbiz Hoa ngữ. Việc nghệ sĩ dùng thủ đoạn tinh vi để lách thuế với mục đích bỏ túi hàng chục triệu USD, được đánh giá diễn ra "như cơm bữa".
Trong đó, hợp đồng âm dương là chiêu thức trốn thuế vi phạm pháp luật, còn thành lập công ty quản lý cá nhân là hoạt động tránh thuế hợp pháp ở các khu vực miễn giảm của chính phủ.
Nhân dân Nhật báo có bài phóng sự điều tra hoạt động lách thuế hợp pháp của giới nghệ sĩ.
Chỉ với 700 USD đã mở được công ty
Theo Nhân dân Nhật báo, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) trong hơn một năm trở lại đây, được mệnh danh là "thiên đường tránh thuế mới" của người nổi tiếng.
Theo chính sách phát triển kinh tế, tự do thương mại đã được Chính phủ thông qua vào năm 2020, doanh nghiệp thành lập ở Hải Nam chỉ phải chi trả 15% tiền thuế thu nhập, thay vì 35% như luật định.
Chênh lệch thuế suất 20% giúp Hải Nam trở thành điểm đáp của nhiều công ty do nghệ sĩ độc lập đứng tên.
Nghệ sĩ Hoa ngữ độc lập đứng tên nhiều công ty phim ảnh, phòng làm việc cá nhân để giảm thiểu tối đa số tiền đóng thuế. Ảnh: Sina. |
Chuyên gia tài chính giấu tên chia sẻ với Nhân dân Nhật báo, thuế suất 15% đối với giới nghệ sĩ là một con số hấp dẫn. Thực tế, nguồn thu nhập của người nổi tiếng rất phức tạp với nhiều dòng tiền. Điều này khiến họ bị áp thuế bằng việc phân loại hợp đồng với lãi suất chênh lệch khá lớn.
Theo thống kê của Tianyancha - trang web tra cứu thông tin doanh nghiệp, tính từ tháng 6/2020 đến nay, số lượng công ty điện ảnh và truyền hình đăng ký mới ở Hải Nam đã vượt quá con số 2.200.
Bao gồm nhiều cái tên nổi tiếng như Na Anh, Lưu Đào, Hà Cảnh, Hoàng Tử Thao, Trần Tư Thành, Bạch Kính Đình, Thẩm Đằng, Giả Nãi Lượng. "Nghệ sĩ đổ bộ đến Hải Nam sau khi chính sách giảm thuế được ban hành", Tân Hoa Xã nhận xét.
Nắm bắt tâm lý thị trường, dịch vụ lập công ty thay người nổi tiếng ở Hải Nam ồ ạt ra đời. Theo điều tra của phóng viên Lưu Khả Hân - Nhân dân Nhật báo, chỉ cần 700 USD đã có thể mở công ty.
Đường dây này hoạt động ngầm trong showbiz, chỉ giới thiệu cho người thuộc nội bộ ngành. Sau khi giấy phép thành lập được hợp pháp hóa, phía môi giới sẽ bàn giao quyền điều hành lại cho đoàn đội của người nổi tiếng.
Chiêu trò gian lận
Theo Tân Hoa Xã, người nổi tiếng thường xu hướng cùng nhau thành lập công ty tại một địa điểm nhất định để dễ trao đổi thông tin, thực hiện các giao dịch kinh tế. Công ty của họ do một tổ chuyên trách, chủ yếu là nhân viên cộm cán và có thâm niên kinh nghiệm của các ngôi sao liên kết quản lý.
Ví dụ chuỗi công ty của Nhậm Gia Luân, Vương Truyền Quân, Mạnh Tử Nghĩa tại Ninh Ba, Chiết Giang hay Đồng Lệ Á, Dương Dương, La Tấn... đều có chung một đội ngũ điều hành. Bằng chứng là số điện thoại cố định liên hệ của các công ty này đều một chung đầu số.
Tên công ty của các nghệ sĩ thành lập ở khu vực miễn giảm thuế quan thường được đặt theo kiểu "tùy hứng", dài dòng, gây cười và không đặt nặng tiêu chí chuyên nghiệp về mặt hình ảnh.
Giới sao Trung Quốc có nhiều chiêu thức lách luật thuế quan, nhưng không bị gán mác vi phạm pháp luật. Ảnh: Sohu. |
Năm 2020, Thẩm Đằng từng trở thành đối tượng chế giễu khi thành lập công ty mang tên Vậy đây là công ty TNHH Văn hóa Điện ảnh và Truyền hình Gia Đại. Công ty của Bạch Kính Đình có tên Mối quan hệ đối tác quản lý âm nhạc, còn Hà Cảnh là Why not for Cultural Technology.
Để tránh bị dư luận soi xét lập công ty ma, có mã bên ngoài nhưng bên trong rỗng ruột, sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động chính thức, các nghệ sĩ thuộc một chuỗi liên kết (khoảng 3-4 công ty), sẽ cùng nhau góp vốn sản xuất phim. Theo nguyên tắc, tác phẩm sẽ được quay ở chính địa điểm thành lập công ty để tuân thủ chính sách phát triển kinh tế - văn hóa.
Theo China Daily, tính từ tháng 11/2020 đến nay, đã có hơn 10 dự án phim điện ảnh và truyền hình được đăng ký quay tại Hải Nam. Có thể kể đến Nữ bác sĩ tâm lý (Dương Tử, Tỉnh Bách Nhiên), Liệp hải nhật ký: Nam minh long hư (Trần Tiểu Xuân), Đùa với lửa (Vương Ngạn Lâm, Châu Du), Faith Makes Great (Quả Tinh Lâm, Mã Tô) hay Âm dạ hành giả (Lý Dịch Phong, Tống Dật).
Sina cho biết do thành lập chỉ với mục đích xé lẻ hợp đồng về những nơi đóng thuế suất thấp để tiền thù lao không bị thâm hụt quá nhiều, vì vậy, các công ty này không được nghệ sĩ coi trọng, có thể giải tán bất cứ lúc nào.
Năm 2010, khi Khorgas (Tân Cương) được hưởng chính sách miễn thuế 5 năm của chính phủ, đã có hơn 7.000 công ty điện ảnh và truyền hình của giới nghệ sĩ được đặt ở đây. Tuy nhiên, sau khi thời hạn miễn thuế kết thúc, số lượng doanh nghiệp giảm một nửa.
Hay sau khi bê bối của Trịnh Sảng nổ ra, gần 100 nghệ sĩ nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Na Anh, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên... xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ phòng làm việc cá nhân.
Hai nghệ sĩ có văn phòng liên kết bị đóng cửa nhiều nhất là Huỳnh Hiểu Minh 47 công ty, tiếp theo là Chương Tử Di 29 công ty. Nhật báo Kinh tế Bắc Kinh bình luận đây là "cuộc tháo chạy" trước sóng dữ do Trịnh Sảng mang đến trước khi bị cơ quan chức năng sờ gáy.
"Các công ty do sao Hoa ngữ đứng tên dễ lập, dễ tan", Sina nhận định.
Dù phòng làm việc cá nhân thực chất là công cụ ngầm giúp giới nghệ sĩ lách thuế, nhưng không bị xem là việc làm vi phạm pháp luật. Thay vào đó, đây được gọi là phương thức tận dụng tối đa những chính sách ưu đãi của chính phủ.
Theo Tân Hoa Xã, lý do khiến các ngôi sao phải sử dụng mánh khóe để lách thuế, đến từ việc mức thuế áp sàn cho người làm nghệ thuật quá cao. Không chỉ vậy, năm 2018, họ còn bị siết chặt nguồn thu khi Tổng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình ban hành chính sách "bình ổn thù lao".
Theo đó, tổng mức lương chi trả cho toàn bộ các diễn viên trong đoàn phim không được vượt qua 40% tổng chi phí sản xuất. Thù lao của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tổng thù lao của dàn diễn viên. Điều này khiến không ít ngôi sao buộc phải lợi dụng kẽ hở để giảm thiểu tối đa số tiền thuế phải nộp.