Sina đưa tin ngày 1/4, Trương Hằng tố cáo Trịnh Sảng gian lận, trốn thuế trên trang cá nhân. Đây là động thái phản đòn của nhà sản xuất trẻ tuổi sau khi bị xử thua kiện trong vụ án tranh chấp số tiền 3 triệu USD với tình cũ.
Theo Trương Hằng, sao nữ 30 tuổi và gia đình đã sử dụng "hợp đồng âm dương" để thực hiện hành vi bất chính. Hợp đồng phim ảnh Trịnh Sảng ký kết với nhà sản xuất Tân thiện nữ u hồn - công ty Văn Hóa Bắc Kinh được Trương Hằng tung ra làm bằng chứng. "Tôi làm điều này không phải vì tiền mà là muốn sự thật sáng tỏ", Trương Hằng cho biết.
Trương Hằng tố cáo Trịnh Sảng sử dụng "hợp đồng âm dương" để trốn thuế. |
Lời tố cáo của Trương Hằng khiến vấn nạn trốn thuế trong showbiz xứ Trung lần nữa dậy sóng sau bê bối gian lận tài chính của Phạm Băng Băng. Ngược trở lại năm 2018, "nàng Võ Mỵ Nương" bị giới chức trách Trung Quốc "sờ gáy" khi sử dụng cách thức tương tự Trịnh Sảng để lách luật.
Theo Sina, trốn thuế là chuyện diễn ra "như cơm bữa" ở làng giải trí. Trong đó, "hợp đồng âm dương" không phải chiêu trò duy nhất che giấu hành vi gian lận. Các nghệ sĩ áp dụng đủ cách thức tinh vi với mục đích bỏ túi hàng chục triệu USD mỗi năm.
Sử dụng "hợp đồng âm dương"
Sina cho hay "hợp đồng âm dương" gồm hai hay nhiều bản hợp đồng của cùng một dự án ký kết giữa các nghệ sĩ và nhà sản xuất. Trong đó, "hợp đồng dương" được dùng để khai thuế với giá trị nhỏ hơn thực tế, còn "hợp đồng âm" che đậy giá trị khổng lồ nghệ sĩ nhận được nhằm "qua mắt" giới chức trách.
Sử dụng "hợp đồng âm dương" là hành vi bất hợp pháp tại Trung Quốc. Thế nhưng theo trang báo, đây là chiêu thức phổ biến được nhiều nghệ sĩ có thu nhập cao áp dụng để "tranh khôn" với cơ quan thuế.
Trước khi rời showbiz, Trịnh Sảng nhận mức cát-xê cao ngất ngưởng. |
Đơn cử là Trịnh Sảng. Trương Hằng cho hay ngoài bản hợp đồng với khoản cát-xê 7,3 triệu USD, Trịnh Sảng còn ký một hợp đồng khác với công ty Văn hóa Bắc Kinh, có số tiền thù lao lên đến 17 triệu USD.
Thực tế, tổng cộng sao nữ nhận được hơn 24 triệu USD/tác phẩm. Khoản tiền này vi phạm chính sách bình ổn thù lao của Tổng cục. Song bản hợp đồng trị giá 17 triệu USD được giấu kín giúp ngôi sao Yêu em từ cái nhìn đầu tiên bỏ túi số tiền khổng lồ.
Sau bê bối trốn thuế, Phạm Băng Băng phải chịu lệnh cấm vận của cơ quan quản lý văn hóa Trung Quốc. |
Quay trở lại với trường hợp của Phạm Băng Băng năm 2018. "Nữ hoàng thảm đỏ" phải nộp phạt số tiền lên tới 130 triệu USD vì bê bối gian lận tài chính.
Thời điểm đó, báo chí xứ Trung phơi bày chi tiết sự thật đằng sau những bản hợp đồng giấy trắng mực đen của "nàng Võ Mỵ Nương".
Báo cáo điều tra cho thấy khi tham gia bộ phim Air Strike, Phạm Băng Băng đã nhận cát-xê lên đến 4,4 triệu USD. Tuy nhiên, nữ diễn viên chỉ khai nhận 1,5 triệu USD. Số tiền còn lại được chia thành các hợp đồng nhỏ lẻ. Điều này giúp Phạm Gia "né" được hơn 1,1 triệu USD tiền thuế, bao gồm 950.000 USD thuế thu nhập cá nhân và hơn 170.000 USD thuế kinh doanh kèm các khoản phụ.
Trước Phạm Băng Băng, nữ diễn viên nổi tiếng Lưu Hiểu Khánh cũng từng bị phanh phui hành vi trốn thuế bằng chiêu thức giống hệt năm 2002. Bê bối gian lận khiến nghệ sĩ sinh năm 1955 nhận bản án hơn 1 năm tù giam.
Thành lập phòng làm việc cá nhân
Những năm gần đây, việc nghệ sĩ thành lập phòng làm việc cá nhân gần như trở thành xu hướng. Đây được coi là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành, độc lập trên con đường theo đuổi đam mê của một người làm nghệ thuật.
Thế nhưng theo Sohu, phòng làm việc cá nhân thực chất là công cụ ngầm giúp giới nghệ sĩ lách thuế.
Khi thành lập phòng làm việc, thu nhập cá nhân của ngôi sao trở thành thu nhập doanh nghiệp (do cá nhân sở hữu). Chênh lệch thuế suất 5% giữa con số 40% của thuế thu nhập cá nhân và 35% của thuế thu nhập doanh nghiệp đủ để nghệ sĩ tiết kiệm được số tiền không nhỏ.
Bên cạnh đó, việc tận dụng tối đa những chính sách ưu đãi của chính phủ cũng là chiêu thức lách thuế phổ biến trong làng giải trí.
Theo chính sách thuế do Trung Quốc ban hành, các công ty, đơn vị đăng ký kinh doanh tại những thành phố nhỏ như Khorgas (Tân Cương), Đông Dương (Chiết Giang) hay Vô Tích (Giang Tô) được hưởng chính sách miễn thuế trong vòng 5 năm. Điều đó lý giải tại sao những vùng này trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà sản xuất điện ảnh, truyền hình Trung Quốc.
Giới nghệ sĩ áp dụng nhiều chiêu trò tinh vi để lách luật. |
Tuy nhiên, thành lập phòng làm việc cá nhân hay tận dụng chính sách ưu đãi được coi là những cách "tránh thuế" hợp pháp. Thế nên nhiều ngôi sao trong làng giải trí xứ Trung áp dụng chiêu thức này để giảm thiểu tối đa số tiền thuế phải nộp, mà không bị gắn mác vi phạm pháp luật. Có thể kể đến Đặng Siêu, Dương Mịch, Đường Yên, Lý Dịch Phong, Lộc Hàm…
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, bà Claire Dong - luật sư tại Công ty Luật Thiên Thác, Bắc Kinh nhận định cát-xê khổng lồ là tác nhân hủy hoại tính lành mạnh của ngành truyền hình, điện ảnh và làm sai lệch giá trị đạo đức của giới nghệ sĩ.
Hiện, thu nhập của giới nghệ sĩ bị giới hạn bởi chính sách "bình ổn cát-xê" do Cục Điện ảnh Trung Quốc ban hành. Theo đó, tổng mức lương chi trả cho toàn bộ các diễn viên trong đoàn phim không được vượt qua 40% tổng chi phí sản xuất. Thù lao của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tổng thù lao của dàn diễn viên.