Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thú chơi thời thượng của cầu thủ Việt

Thể Công tự hào với cả đội bóng dùng sim "tứ quý 8", hay T&T Hà Nội có Hồng Sơn sở hữu "con xe" Q7 khiến nhiều người thèm muốn.

Thú chơi thời thượng của cầu thủ Việt

Thể Công tự hào với cả đội bóng dùng sim "tứ quý 8", hay T&T Hà Nội có Hồng Sơn sở hữu "con xe" Q7 khiến nhiều người thèm muốn.

Với những khoản lót tay tiền tỉ rồi tiền lương, thưởng tính ra mỗi tháng cũng lên đến cả trăm triệu đồng, các cầu thủ thả sức sắm những món đồ hàng hiệu, đồng hồ, xe hơi...

Đội bóng “tứ quý 8”

Chiếc sim đuôi 8888 vừa lắp vào con dế 8800 Gold Art nháy thử sang máy đứa bạn đã có người ngồi kế bên nhảy bật dậy trong quán cafe nằm kế bên hông Nhà hát Lớn (Hà Nội) trả 2.000 USD.

Nhưng chủ nhân của nó nhất mực từ chối, vì sim “tứ quý 8” hay “ngũ quý 8” giờ đã là “thương hiệu của cả đội bóng”. Bàn cafe có 6 người quây đầu, trong đó có 5 cầu thủ thì cả 5 đều thuộc dòng “tứ” và “ngũ quý 8”. Người thứ 6, vị khách mời, nhận liền 5 cái nháy máy để được chiêm ngưỡng bộ sưu tập sim đúng như quảng cáo tối hôm trước.

Cả 5 cầu thủ này đều là người của Thể Công. “Nếu thích xem nữa, sẽ alô cho cả đội đến đây, nháy thêm một phát nữa”, một người vừa cười vừa nói. Họ không bỡn cợt. Chuyện thật trăm phần trăm. Ở Thể Công bây giờ, nguyên cả đội bóng dùng sim “tứ” hay “ngũ quý 8”.

Thú chơi thời thượng của cầu thủ Việt

Công Vinh (trái) và chiếc điện thoại Vertu.

Các cầu thủ của đội bóng áo lính giờ coi sim tứ ngũ quý “phát” (trong tiếng Trung, số 8 có âm giống như chữ “phát” của phát tài, phát lộc) như một thứ chứng thực “tôi là cầu thủ Thể Công”. Ở làng bóng Việt Nam, không có đội bóng thứ hai như thế. Nó được coi như chiếc thẻ “chứng nhận đẳng cấp” trong giới cầu thủ Việt Nam tính ra cứ mỗi mùa lại có thêm cả trăm cầu thủ bước vào thế giới thượng lưu.

Số đẹp phải có thêm điện thoại đẹp, giống như người vận complet rất không nên đi đôi giày há mõm. Này là 8800 Gold Art giá gần 30 triệu. Này là Iphone 3G giá gần 1.000 USD. Này là Mortorola đời mới nhất giá ngót nghét 2.000 USD... Mà phải 2 tay máy, thậm chí có thêm một cái nữa đút túi quần cho... vui.

Cầu thủ Việt Nam bây giờ giàu. 2 năm trước, chứng khoán hưng thịnh người ta bảo cần gì đi đá bóng cũng giàu nhanh. Giờ chứng khoán sụt giảm mới thấy hiếm nghề nào kiếm tiền dễ như đi đá bóng. Tiền đạo Công Vinh kiếm một lúc 7 tỉ đồng khi rời Sông Lam ra Hà Nội chơi bóng. Hậu vệ Mai Xuân Hợp bèo hơn cũng có 3 tỉ đút túi khi chuyển từ Thanh Hóa ra Thể Công. Tiền đạo Thanh Bình, hậu vệ Việt Cường người Đồng Tháp đầu quân cho đội bóng Hoàng Anh Gia Lai cũng thế, trên dưới 3 tỉ cả. Rồi tiền lương, thưởng tính ra mỗi tháng cũng lên đến cả trăm triệu. Quá dư dả để họ sắm những món đồ hàng hiệu, đồng hồ, xe hơi...

Mà không phải chờ đến khi trở thành cầu thủ đắt giá nhất nhì Việt Nam, Công Vinh đã dùng điện thoại Vertu có giá bằng cả chiếc xe máy hàng hiệu. Ngày tổng kết, mổ xẻ thất bại ở SEA Games 2007 tại tầng 6 trụ sở VFF, Vinh cố giấu nó nhưng vẫn không tránh được các cặp mắt ngạc nhiên pha lẫn sự thèm muốn của nhiều người.

Còn nói về bộ sưu tập xe lại phải nhắc tới một số cầu thủ của Thể Công Viettel. Xe máy đẹp SH, PS, LX Piaggio ở đội bóng này giờ nhiều như... lợn con. Phải là xe hơi đời mới nhất mới nói. Thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng lái chiếc xe Lexus RX350 trị giá 1,5 tỉ. Thủ môn Vũ Dũng trước chạy con BMW X5 giờ mới tự hạ cấp chuyển sang Hyundai SantaFe nhưng trị giá cũng lên tới gần tỉ đồng. Còn bình dân như Phương Nam dùng tạm Honda Civic hay Bảo Khanh chạy Yaris không nói.

Cũng ở một đội bóng Thủ đô, T&T HN, thủ môn Dương Hồng Sơn đang sở hữu “con xế” đắt nhất trong giới cầu thủ Việt Nam, đó là chiếc Audi Q7 có giá hơn 2 tỉ. Sơn thi thoảng lái lên sân tập Mỹ Đình, oai vệ đỗ giữa những chiếc xe hơi đẹp của các doanh nhân trẻ rủ nhau đi đá bóng cuối giờ chiều để giảm cân.

Sự thay đổi của thời cuộc

Có một sự khác biệt rất lớn ở hình ảnh của các cầu thủ Việt Nam ngày nay so với 5 năm trở về trước, dù cho không phải là các cầu thủ trước kia không giàu. Sự khác biệt ở tính công khai. Tiền kiếm được công khai nên họ tiêu dùng cũng công khai, chứ không phải là chuyện có những cầu thủ giàu đột biến sau những trận thua khó hiểu của CLB hay đội tuyển như trong quá khứ.

Trước kia, người ta hay thầm thì nói về sự giàu có của cầu thủ này, cầu thủ kia mà không thể giải thích nổi khi lương cầu thủ chỉ vài triệu mỗi tháng và có mức thưởng lớn như Thể Công năm 1998 cũng chỉ lên tới gần 1 triệu đồng/người cho 1 trận thắng. Giới cầu thủ thế hệ 7x ngày trước thường chỉ dám chơi đồ hiệu, trưng của và chạy theo các trào lưu của xã hội khi họ đã treo giày, giã từ nghiệp quần đùi áo số.

Bởi thế, suy cho cùng, việc các cầu thủ ngày nay kiếm được và tiêu được cũng là một lẽ công bằng và ít nhiều có tính tích cực: nghề đá bóng mang lại những giá trị đúng với những gì nó được hưởng. Thậm chí, sự hào nhoáng của thế hệ cầu thủ ngày nay cũng có thể mang lại những động lực không nhỏ cho thế hệ cầu thủ nhí tương lai.

Những cậu bé hằng ngày phơi nắng ở các học viện bóng đá như HAGL Arsenal JMG, Scavi-Rocheteau và các lò đào tạo trẻ Sông Lam, Thể Công, Nam Định không chỉ có mỗi ước mơ được vần vò trái bóng mà nó còn để hướng tới mục tiêu của gia đình các em đặt ra: một tương lai có sự đảm bảo bằng vật chất.

Nhưng nghề bóng đá ráo mồ hôi là hết tiền và nghề đá bóng hái ra tiền nhiều lắm chỉ kéo dài chừng chục năm. Phía sau sân cỏ là khoảng trống về kỹ năng bươn chải ngoài xã hội và trình độ nghiệp vụ. Không phải cầu thủ nào sau khi gác giày cũng có thể trở thành HLV giỏi và không phải ai cũng vào vai một nhà buôn tài. Tiêu tiền, thỏa mãn những thú vui thời thượng, liệu họ có nghĩ tới ngày mai?

Theo Công An Nhân Dân

Theo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm