"Sính" đồ gia dụng tự nhiên cũng phải hợp phong thủy
Theo tìm hiểu của phóng viên, gần đây đồ gia dụng được thiết kế từ sản phẩm tự nhiên được các gia đình thượng lưu rất ưa chuộng. Họ sẵn sàng chi hàng ngàn, chục ngàn, thậm chí trăm ngàn đô la cho những bộ ghế sofa, trang phục lông, da thú xa xỉ. Mặc dù được người bạn giới thiệu về thú chơi đồ gia dụng đẳng cấp của anh Nguyễn Văn Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội), biệt danh là "Hải thợ săn", nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng.
Đi một vòng quanh ngôi biệt thự 4 tầng của anh Hải, tôi choáng ngợp vì không gian được phủ bởi những món đồ đắt tiền, đẳng cấp. Bộ ghế sofa được anh bật mí làm từ da bò tót cũng là hàng nhập khẩu có giá 15.000 USD. Phủ lên bộ sofa là những tấm thảm lông chồn mềm mại. Để có được bộ thảm lông chồn trang trí sofa, anh Hải thợ săn đã phải nhờ người quen định cư ở Mỹ đặt hàng giúp với giá 2.300USD.
Trên chiếc tủ gỗ lim, anh Hải còn thiết kế một chiếc bình hồ lô trông rất lạ mắt. Anh Hải lấp lửng nói, nó có giá hàng tỷ đồng. Tôi gặng hỏi về gu thiết kế thẩm mỹ đồ gia dụng có vẻ không giống ai, anh Hải cười: "Tôi không phải là người duy tâm, nhưng lại khá kiêng kị. Những món đồ đó đều hợp với tuổi của tôi. Chiếc bình đồng hô lô, tôi đặt từ Ấn Độ. Nó là vật phong thủy khắc tinh của sao bệnh tật".
Hồ lô cũng là biểu tượng mạnh mẽ cho sức khỏe và sự trường thọ. |
Theo anh Hải, bởi vì năng lượng Kim của nó sẽ khống chế bất kỳ khí âm nào gây ra bệnh tật. Hồ lô cũng là biểu tượng mạnh mẽ cho sức khỏe và sự trường thọ. Nó là vật được Quan Âm Bồ Tát và một trong tám vị tiên của Lão giáo sử dụng. Người ta cho rằng bình hồ lô chứa nước tiên đem lại sự bất tử. Vì thế, anh Hải sử dụng bình hồ lô với mong muốn để kích hoạt năng lượng chủ về sức khỏe.
Anh Hải cho biết, những món đồ cổ từ đồng đen quý hiếm vô cùng. Chiếc ấm đầu gà thời Thương Chu, chiếc thạp đời nhà Hán, là những cổ vật hiện chỉ còn lác đác một hai thứ tương tự trên thế giới. Thế nhưng, những thứ này thực chất chỉ là đồng đỏ đúc thành. Sau khi dùng giấy giáp cọ xát vào một trong số các cổ vật bằng đồng đen, mài một lớp rất nhẹ thì đằng sau lớp vỏ đen nhánh là một màu đồng ánh đỏ.
Chiếc ấm đầu gà đời Thương - Chu được coi là đỉnh cao của kỹ nghệ đúc đồng từ gần 4.000 năm trước. |
Làm kinh doanh cũng phải ăn diện như showbiz
Tôi quen chị Thẩm Thị Hương (Ngô Quyền, Hải Phòng) là một trong những doanh nhân thành đạt và có sở thích xài hàng hiệu. Với chị, trang phục lông, da thú hào nhoáng là món đồ chị yêu thích nhất. Vốn "ra lò" từ ngành thiết kế thời trang nên những đam mê, sở thích của chị Hương về thời trang rất lớn. Chị chia sẻ, quan điểm của chị là kiếm ra đồng tiền thì phải biết hưởng thụ và chăm lo cho bản thân, gia đình. Vì thế, chị không ngần ngại móc hầu bao chi cho những bộ cánh đắt tiền.
Chị Hương bộc bạch, làm doanh nghiệp không thể so với giới showbiz nhưng quan trọng cũng không kém. Những món đồ sang trọng khiến chị tự tin trong ký kết hợp đồng làm ăn, đi gặp đối tác. Có lẽ cũng bởi quan điểm sống để tận hưởng của chị nên việc chị sở hữu những món đồ trăm triệu, bạc tỷ đã không có gì quá xa lạ.
Thảm trải sàn lông cừu có giá thuộc loại đắt đỏ nhất nhì trong thế giới thảm. |
Theo lời chị Hương, những món đồ làm từ chất liệu tự nhiên như lông chồn, lông cừu hay da báo, da rắn có một sức hút kỳ lạ. Chị Hương ví lông và da động vật là một trong những nguyên vật liệu quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang. Chị Hương rất thích thảm trải bằng lông cừu. Vì thế, thảm trải sàn nhà, ghế sofa, ghế ô tô, chị đều thiết kế bằng lông cừu Australia.
Chị Hương chia sẻ, thảm trải sàn lông cừu có giá thuộc loại đắt đỏ nhất nhì trong thế giới thảm, sau thảm Ba Tư, thông thường thảm cao cấp lông cừu dao động từ 2- 6 triệu đồng/m2. Loại thảm trải sàn mà chị đang sở hữu là hàng đặt mua từ nước ngoài có giá 20 triệu đồng/m2.
Giá trị của một con người không phụ thuộc vào... chiếc áo lông thú
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng: "Hiện nay, nhiều cá nhân mua những món đồ xa xỉ, đắt tiền (để mặc lên người hay trang trí trong nhà) với tâm lý rằng, đồ vật có giá trị lớn sẽ làm tôn giá trị con người họ lên và để thể hiện cho thiên hạ thấy mình đã giàu có. Nếu như những người đó kiếm tiền một cách chính đáng thì họ xứng đáng được hưởng mức sống cao hơn và được xã hội tán thưởng. Tuy nhiên, những giá trị của một người không phụ thuộc vào việc họ khoắc lên người cái áo lông thú hay quần áo hàng hiệu giá cả trăm triệu. Như thế thì càng khoe khoang, đồng nghĩa với việc họ đã gây lãng phí lớn. Việc làm này đã đi chệch khỏi văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là tiết kiệm.
Theo quan điểm của tôi, những người thích phô trương, khoe mẽ thường là người mới giàu có. Họ làm vậy để mọi người biết đến mình, mong mình nổi tiếng. Có lẽ, những người làm giàu bằng sức lao động thì người ta ít khoe của. Bởi họ nhận thức đồng tiền đó bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng chính máu, họ mới có được nên biết nâng niu và quý trọng”.