Thú chơi điện thoại Nhật hàng 'độc' của người Việt
Đồ Nhật từ xưa đến nay vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ về sự bền bỉ, hữu dụng. Trong cộng đồng công nghệ Việt Nam, có nhiều người chỉ mê điện thoại đến từ Nhật Bản.
Điện thoại Nhật không rẻ hơn điện thoại ở Việt Nam cùng một phiên bản, thậm chí phải "unlock - bẻ khoá", hay mất multimedia (khả năng đa phương tiện), nhưng vẫn có những nét quyến rũ.
Một thú chơi riêng
Cách đây vài năm, khi iPhone mới ra đời và những chiếc Android vẫn còn chưa xuất hiện trên thị trường, thì chơi "Japan Phone" là một điều gì đó khá thời thượng và xa xỉ. Năm 2005 - 2006, những chiếc Sharp 903SH đầu tiên do một số du học sinh Việt Nam cầm về từ Nhật Bản đã gây sốt trên các diễn đàn di động.
Lý do mà 903SH gây xúc động mạnh là bởi đây là chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh 3,2 megapixel hiếm hoi và chụp rất đẹp vào thời điểm bấy giờ. Thêm một điều khác mà những chiếc điện thoại Nhật gây sự phấn khích, đó là âm thanh rất tốt và trong trẻo.
Sharp 903SH một thời gây "bão" trên cộng đồng yêu điện thoại. |
Ban đầu, những chiếc 903SH hay 922SH có giá trên 3,5 triệu đồng/chiếc và chỉ có một số người rành tiếng Nhật mới có thể sử dụng và giới hạn ở một cộng đồng rất nhỏ. "Những chiếc máy của Nhật thường là do các nhà mạng như Vodafone, Softbank hay Docomo liên kết với những hãng sản xuất phần cứng như Sharp, Samsung... sản xuất và khoá mạng, thực sự rất khó dùng", Phan Lê Anh (du học sinh Nhật) cho biết.
Điện thoại Nhật hỗ trợ tại Nhật Bản rất tốt, nhưng về Việt Nam thì... không. Rất nhiều chiếc mang về chỉ dùng được một vài tính năng như chụp ảnh, xem phim, đặc biệt không thể dùng được 3G. Tuy nhiên, chính cái sự khó khăn trong việc chơi điện thoại Nhật đã khiến trào lưu này trở thành một phong cách.
Dần dần, cộng đồng chơi điện thoại Nhật mạnh lên trong diễn đàn GSM, do những người chơi có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong vấn đề sim ghép, "mồi sóng" và vô vàn kinh nghiệm khác để chiếc điện thoại có thể sử dụng. "Có chiếc từ chối mạng MobiFone, chỉ dùng được Viettel. Có chiếc chỉ chụp ảnh và nghe gọi được còn các tính năng khác thì... tịt, khởi động lại thì phải mồi sóng... nhưng điều này làm việc chơi 'Japan Phone' có điều gì đó như chơi Vespa cổ. Khi bạn chơi 'Japan Phone' thì có lẽ bạn cũng phải là người hiểu biết về chiếc điện thoại", một "fan cuồng" của điện thoại Nhật cho hay.
Cũng nhờ trào lưu chơi "Japan Phone" mà Trần Anh Thái (du học sinh Nhật) đã kiếm được một khoản tiền kha khá từ việc buôn điện thoại Nhật vào thời điểm 2006 - 2009. Thái cho biết, kinh doanh điện thoại Nhật khá khó, do phải hỗ trợ khách hàng nhiều về kĩ thuật, nhưng nhờ lợi thế cạnh tranh này mà các cửa hàng kinh doanh điện thoại Nhật không nhiều. Cộng đồng chơi cũng nhỏ và chỉ tập trung vào một vài cửa hàng. Các cửa hàng cũng chỉ nhập hàng từ một vài đầu mối nhất định.
Chính những người thuộc "thế hệ đầu tiên" gắn với điện thoại của nhà mạng Softbank, Docomo, Vodafone là những người nuôi dưỡng niềm đam mê điện thoại Nhật cho đến khi những chiếc điện thoại này bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại smartphone khác.
Đồ 'độc'
Một trong những phong cách thiết kế "thuần Nhật" nhất có thể bắt gặp ở những chiếc điện thoại xứ sở Phù tang là có thể xoay, gập màn hình cỡ lớn.
Fujitsu F04B - điện thoại có khả năng tách làm đôi mà vẫn hoạt động. |
Đầu tiên phải kể đến Fujitsu F04B. Máy có khả năng tách làm đôi mà vẫn có thể gọi điện nhắn tin bình thường. Kế đến là Sharp SH01C với camera 14,2 megapixel có thể xem phim HD. Điểm đáng tiếc của những chiếc điện thoại này là hệ điều hành riêng và khá rắc rối nếu so với Android hay Windows Phone hiện nay.
LG L03C có hình dáng y hệt một camera du lịch. |
Nếu như gần đây Nokia mới ra mắt chiếc Pureview808 hay Samsung đưa ra chiếc Galaxy Camera thì nhà mạng Docomo trước đó đã giới thiệu chiếc Docomo LG L03C có kiểu dáng y hệt một máy ảnh du lịch, và khả năng chụp ảnh cũng tương đương máy ảnh số. Hiện LG L03C được bán với giá trên 6 triệu đồng.
Theo anh Trung (cửa hàng điện thoại Nhật - phố Vọng, Hà Nội) thì LG L03C thuộc dạng "độc" - đếm trên đầu ngón tay ở Việt Nam. Mặc dù vậy, điện thoại Nhật không đơn thuần chỉ là đồ "độc" như những chiếc điện thoại kể trên. Nếu bạn thích một chiếc điện thoại đến từ nước Nhật nhưng cũng có hình dáng như những chiếc điện thoại trong nước thì bạn có thể chọn chiếc Samsung SC-o6D (Samsung Galaxy S3 phiên bản Nhật), hoặc Sony Xperia GX - chiếc Android của Sony dành riêng cho thị trường Nhật Bản.
Theo VTC