Thú chơi đĩa hát giá ngàn đô
Những tưởng trong thời công nghệ hiện đại phát triển như ngày nay, nhạc analog không còn được ưa chuộng nữa. Thế nhưng, ở Hà Nội và TP.HCM vẫn còn khá nhiều người chơi đĩa than.
Cửa hàng của anh Mạnh Thắng là một tụ điểm của dân chơi đĩa than. |
Nơi hội tụ của dân chơi đĩa than
11h trưa, shop âm thanh Thắng Audio của anh Nguyễn Mạnh Thắng, Phố Huế, Hà Nội, đã rậm rịch khách vào xem. Đa phần là khách quen. Họ tới xem chủ quán có sưu tầm được đĩa than độc, lạ nào hay không, tiện thể xem có thiết bị đầu đĩa mới không, rồi râm ran bàn luận. Không chỉ là nơi kinh doanh, cửa hàng này đã thành nơi tụ hội của những người có chung sở thích. Khi có đồ gì mới, anh Thắng gọi điện cho những người bạn tới xem và nghe. Những người bạn khi sưu tầm được cái gì mới cũng gọi điện hoặc đích thân tới cửa hàng của anh để khoe.
Do đó, khách đến cửa hàng nhiều khi không phải để mua hàng, mà chỉ đơn giản nói dăm ba câu chuyện về những chiếc đĩa than hay bộ máy nghe đĩa than mới tậu... Khách quen của anh Thắng khá ổn định, chừng 50 - 70 người, trong đó có những người nổi tiếng như nghệ sỹ kịch Tiến Đạt, nhạc sỹ Phú Quang… Khi thì họ tạt qua mua cái đĩa, khi thì mua thêm vài thiết bị để thay.
Giới chơi đĩa than ở Hà Nội đều biết tới các cửa hàng chuyên như Shop Land (ở phố Núi Trúc) có khá nhiều các đầu máy nghe đĩa than cũ hay Audio Transit (ở phố Bùi Thị Xuân) với số lượng đĩa than khổng lồ. Tuy nhiên, độ phong phú thì không bằng các cửa hàng đĩa than ở TP.HCM. Có cửa hàng ở TP.HCM còn quen thuộc với dân chơi ở Hà Nội đến mức gửi list hàng mới cho khách hàng, ưng cái nào thì đánh dấu, và họ chuyển hàng ra ngay, có thể thanh toán sau. Ngoài ra, việc lên ebay tìm mua đấu giá những đĩa than cổ hay những thiết bị đĩa than quý hiếm cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, phí vận chuyển về Việt Nam khá đắt đỏ.
Dân chơi đĩa than cũng thường hay chia sẻ kinh nghiệm sôi nổi nhất là trên Mạng nghe nhìn Việt Nam (Vietnam Audiovisual network). Ở đó có diễn đàn của những người cùng thú chơi như diễn đàn hi-end (những người chơi đồ công nghệ), diễn đàn những người nghiện nhạc analog, diễn đàn những người chơi đồ cổ...
Bên cạnh diễn đàn mạng, vào các ngày cuối tuần, các nhóm chơi đĩa than thường hẹn hò nhau ở một quán café nào đó đàm đạo. Anh K.A, ngoài 40 tuổi, ở Lò Đúc, cho biết cứ cuối tuần là nhóm hay tụ tập ở quán café ở phố Phạm Đình Hổ để cùng chia sẻ thú chơi này. Chơi đĩa than hơn 20 năm nay, K.A nói thích nghe nhạc từ bé, thừa hưởng từ người bố. Anh sở hữu dàn âm thanh khủng, và riêng thiết bị để nghe đĩa than của anh cũng khá cầu kỳ. Không muốn nói về giá trị tiền mặt cho những thiết bị này, nhưng K.A cho biết, có đồng nào là dồn vào để nâng cấp thiết bị.
Dân trong giới đồn rằng, bộ thiết bị đó của K.A khoảng 100.000 USD, riêng kim tết cỡ chục ngàn USD. Còn K.A thú nhận: “Chơi đĩa than giống như anh nghiện. Đã trót nghiện rồi, thì cứ phải tăng liều, khó mà bỏ được”. Anh khoe, anh có tới 3-4 chiếc kim tết để đọc đĩa than. Bởi lẽ, cùng một chiếc đĩa than, nhưng khi thay kim tết khác lại cho âm thanh khác hẳn, rất thú vị.
Cái gì cũng có, chỉ sợ không có tiền
Họa sỹ Quách Đông Phương chơi đĩa than từ những năm 1980. Bây giờ anh vẫn còn lưu giữ những đĩa nhạc sản xuất từ năm 1940, vẫn còn tốt. Anh bảo, đĩa than đem chôn dưới đất 3 năm sau đào lên, rửa sạch, vẫn nghe được. Khác hẳn với đĩa CD hoặc băng cối, đổ nước vào là hỏng ngay.
Họa sỹ Quách Đông Phương và “kho” đĩa than của mình. |
Gần Tết rỗi rãi, anh lại lôi đĩa ra rửa, tất nhiên là bằng hóa chất đặc biệt. Anh bảo, bây giờ người ta còn sản xuất cả máy rửa đĩa than, giá hàng ngàn đô. “Nhưng chả mua làm gì. Tiền đấy để mua đĩa còn hơn”, anh nói. Quách Phương Đông thích sưu tầm nhạc dân tộc của các nước. Anh có nhạc của thổ dân da đỏ, nhạc thiền của Tây Tạng, nhạc Phật của Ấn Độ, Nepal… Tất thảy anh đều mua được rất rẻ vì... người ta bỏ đi. Anh phân trần: “Giống như mình lấy vợ. Với mình, cô này là xinh, nhưng với người khác thì cô này ra cái gì”.
"Nghe đĩa than cũng giống như pha một ấm trà, phải đun nước, cho trà, tráng ấm, tráng trà? chứ không như anh cà phê tan hay mì ăn liền, chỉ đổ nước sôi vào là xong như nhạc MP3 bây giờ",họa sỹ Quách Đông Phương. |
Anh mua hết với giá đồng nát 1.000 đồng/ chiếc, trong đó có nhiều đĩa quí, rửa sạch, vẫn nghe được như thường như đĩa thu thanh Đặng Thái Sơn đánh hồi đi thi Chopin ở Ba Lan và đoạt giải nhất. Tuy nhiên, có những đĩa than anh mua bằng giá trị nửa cái xe đạp Mifa, Eska lúc đó. Quách Đông Phương nổi tiếng trong giới chơi đĩa than từ những năm 80-90 vì anh thạo sửa chữa. Ngày xưa, thiêt bị hỏng thì phải tự mày mò sửa, đâu có dễ kiếm như bây giờ. Trào lưu nghe đĩa than lại đang rộ lên, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Anh bảo: “Bây giờ cái gì cũng có, chỉ sợ không có tiền thôi”.
Sơ ý một chút, mất toi ngàn đô
Theo anh Nguyễn Minh Thắng, chơi đĩa than khó nhất là phải biết phối ghép các thiết bị với nhau vì toàn là đồ thửa. Có hãng chuyên về mâm, có hãng chuyên kim tết, có hãng chỉ bán cơ quay, có hãng chuyên đầu phono (phono là tầng khuyếch đại tín hiệu cho cơ đĩa, tín hiệu đọc từ đĩa ra được đưa qua tầng phono sau đó mới được đưa xuống âm ly).
Người chơi phải tự phối ghép chúng với nhau sao cho ăn ý. Muốn biết có hợp hay không phải thử nhiều cái. Có khi phải chờ vài tháng mới tìm được cái phù hợp. Nguyễn Minh Thắng cho biết, hồi mới chơi vất vả lắm. Hay hỏng nhất là kim tết. Chỉ sơ ý chút thôi là đi tong. Mà kim tết đâu có rẻ, cái rẻ nhất cũng vài triệu đồng, có cái bằng kim cương có giá tới 90.000 USD.
Rồi anh kể, tại triển lãm thiết bị âm thanh vừa rồi ở Khách sạn Daewoo, Hà Nội, có một anh mang bộ dàn đĩa than mới và xịn ra triển lãm, lúc cân chỉnh sơ ý một cái, gẫy luôn cái kim tết 2.500 USD. Họa sỹ Quách Đông Phương cũng có kinh nghiệm cay đắng với chiếc kim tết 1.000 USD của mình. Ngày xưa, nhà anh nuôi một con mèo, khi chủ nghe nhạc, nó cũng ngồi nghe, rồi thấy cái đĩa quay quay hay quá, với một phát, thế là bay.
Trong cửa hàng của anh Thắng, mỗi chiếc đĩa than đều niêm yết giá, có cái vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có cái vài triệu đồng. Riêng bộ đĩa hát của Thanh Hoa, Thu Hiền, Bảo Yến bày ở kệ trên cùng, không có giá. Hỏi giá, anh bảo: “Cái này không bán, chỉ bày, dù có người hỏi mua”.
Rồi anh kể, những chiếc đĩa này cổ lắm, không thể tìm thấy trên thị trường. Sở dĩ, anh có được những chiếc đĩa này là do chơi với họa sỹ Lê Thanh Hải, con trai của họa sỹ Lê Thanh Đức, người chuyên vẽ bìa đĩa than cho Dihavina. Sau khi ông Đức qua đời, anh Hải đã tặng anh một vài cái và anh giữ nó cho đến giờ. Khi chơi đĩa than, kim tết là thứ hay hỏng nhất, nhưng có thể thay được, tuy không hề đơn giản. Dân chơi đĩa than cho biết, hiện có ông Bình, ở Hàng Khay, chuyên sửa kim tết.
Gặp ông Bình thì được biết, ông vốn là thợ sửa đồng hồ. Năm 1976, khi đi bộ đội về, ông theo nghiệp cha sửa đồng hồ cho tới giờ. Năm nay, ông Bình đã ngoài 60, không còn sửa đồng hồ nữa, nhưng vẫn sửa kim tết.
Ông cho biết: “Tôi vốn thích chơi đĩa than từ những năm 70, thời ấy nghe còn phải nghe nhỏ, nếu không là bị bắt, chứ nói gì đến việc có sẵn thiết bị để thay như bây giờ. Hồi xưa, tôi chơi bị hỏng nhiều, nên tự mày mò cách sửa. Tôi chỉ làm cho vui thôi. Bạn bè, ai tôi quí, tôi thích thì làm, không thì thôi, chứ không mở cửa hàng, cửa hiệu gì cả”. Ông Bình cho biết, ông chỉ nhận sửa những kim tết giá từ 500 USD trở lên, còn những chiếc khoảng 1 triệu đồng thì ông khuyên nên mua mới. Ông đã từng sửa chiếc kim tết có giá 4.000 đến 5.000 USD.
Thiết bị chơi đĩa than: Giá từ vài triệu đến trăm triệu đồng
Với kinh nghiệm của mình, họa sỹ Quách Đông Phương cho biết, chỉ cần vài triệu đồng cũng có thể chơi được đĩa than, nếu biết cách và có đam mê. Vì hiện nay, người ta vẫn bán những chiếc máy than cổ giá vài triệu đồng. Nhưng nếu có điều kiện, hàng đắt tiền cũng không hiếm, nhưng thường là hàng mới, của Anh, Mỹ sản xuất. Có những cái cơ quay đĩa than giá hàng triệu đô, đầu đọc đĩa than từ 15.000 đến 20.000 USD cũng có, rồi cục phono cũng có giá tới vài chục ngàn USD. Nhiều khi cái cơ quay được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật. Nó được vận hành từ hệ thống nước chảy…
Theo Tiền Phong