Từ niềm đam mê với kim loại, Huyền Thu (sinh năm 1995, Hà Nội) đã mày mò và phát triển nghề làm nút phím (keycap) khi mới 22 tuổi. Hiện tại, cô đã sở hữu cho mình một cửa hàng chuyên chế tạo, bán các loại trang sức, phụ kiện máy ảnh và nút phím. |
Huyền Thu là một số ít người theo công việc chế tạo nút phím kim loại tại Việt Nam. “Sở thích chơi keycap (nút phím) không còn xa lạ ở nước ta, tuy nhiên về keycap kim loại thì rất hiếm do người chế tạo rất ít. Vì vậy mình luôn muốn phủ sóng nhiều hơn trên thị trường về mặt hàng này”, Huyền Thu chia sẻ. |
Kỹ thuật điêu khắc trên kim loại không chỉ đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ mà còn phải nhẫn nại làm việc với kính hiển vi hàng giờ. Mỗi nút phím cơ bản cần ít nhất khoảng 3-4 giờ để hoàn thiện. |
Việc tiếp xúc với kính hiển vi đã gây ra tình trạng đau mỏi mắt. “Khi làm nghề này, phải chấp nhận khó khăn và có phương pháp chăm sóc mắt thật tốt”, Huyền Thu nói. |
Tùy vào yêu cầu của khách hàng, nút phím có thể sáng tạo bằng nhiều kiểu dáng, họa tiết và chất liệu khác nhau. Đối với nguyên liệu kim loại, bạc và đồng là hai loại được sử dụng nhiều nhất. Sau khi đúc khuôn tại xưởng, Huyền Thu ngâm các nút phím trong nước phèn và đun sôi. Công đoạn này từng khiến cô thường xuyên bị thương do tiếp xúc với máy khò và các dụng cụ thủ công. |
Hình dáng của phím được Huyền Thu sáng tạo và phác họa trên giấy rồi sau đó mới đi nét. Mỗi hình ảnh được khắc họa trên nút phím đều mang những dấu ấn và câu chuyện riêng của khách hàng. |
“Quá trình này giống với xăm trên người, chỉ khác là thay vì xăm trên da thịt, sẽ xăm trên kim loại”, Thu cho biết thêm. |
Nút phím là bộ phận được in các kí tự chữ và số bọc bên ngoài trên bàn phím máy tính, thường được làm bằng nhựa, có thể được thay thế dễ dàng theo từng bộ hoặc theo từng chiếc lẻ. |
Nút phím space (khoảng cách) làm bằng bạc sau khi được Huyền Thu khắc họa tiết với hình ảnh cá chép vượt Vũ Môn (chiếc bên phải) và bán ra với giá 9 triệu đồng. Những nút phím nhỏ khác được bán với giá từ 950.000 đến 2,5 triệu đồng. Đơn hàng đắt nhất Huyền Thu nhận được là 200 triệu đồng, bao gồm 158 nút và bán ra nước ngoài. |
Để hoàn thành kỹ lưỡng mỗi một sản phẩm tinh xảo, Huyền Thu phải sử dụng đến 30 dụng cụ điêu khắc khác nhau. Ngoài chế tạo nút phím thủ công, cô còn nhận làm nút phím 3D với quá trình làm chủ yếu phụ thuộc vào máy móc. |
Tuy nhiên, chỉ tính riêng về doanh thu làm nút phím thủ công, cửa hàng của cô đã thu về khoảng 150 triệu đồng/tháng. Đơn hàng đắt nhất do người Việt Nam đặt mà Thu nhận được là 80 triệu đồng cho khoảng 30 nút. |
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế