Cố nhà văn Băng Sơn là một trong những cây bút tản văn, tùy bút xuất sắc nhất của văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Trong toàn bộ các sáng tác của mình, Hà Nội là đề tài chủ đạo, xuyên suốt và cũng là mảng đề tài lung linh nhất, đẹp nhất của Băng Sơn.
Nếu như độc giả đã gặp hình ảnh Hà Nội những năm 1940s trong bút ký của Thạch Lam, hay từng say lòng trước vẻ đẹp của vùng Bắc Hà thời 1960s qua nỗi nhớ của Vũ Bằng thì hai tập tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội và Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn một lần nữa mở ra những trải nghiệm thú vị về con người Hà Nội trong thập niên 90.
Những phương diện bình dị trong cuộc sống như ăn, chơi, lang thang qua ngòi bút Băng Sơn đã được nâng lên thành một nghệ thuật, thành giá trị sống, một phong cách rất riêng của người dân Kinh Kỳ.
Hai tập tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội và Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn |
Khách mời của buổi tọa đàm, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người đã có nhiều năm nghiên cứu và viết về Hà Nội chia sẻ nhiều điều thú vị về thú ăn chơi của người Hà Nội xưa.
Ông bày tỏ những trào lưu của giới trẻ đô thị ngày nay không có gì mới mẻ so với thời trước, thậm chí còn “thua xa các cụ”. Có một thời các sàn nhảy dọc con phố Khâm Thiên kín những thầy đồ, phụ nữ với mái tóc rẽ ngôi lệch nổi loạn (bởi thời bấy giờ quan niệm gái chính chuyên phải để tóc ngôi giữa!).
Ông lý giải, để có thú ăn chơi người ta cần có tiền và độ “máu”. Người dân Kẻ Chợ có đủ hai điểm này bởi đây là vùng đất tập trung chủ yếu của quan lại và tầng lớp trung lưu.
Người Hà Nội phần lớn không làm nông vất vả nên có dư giả thời gian, và nhờ vị thế địa lý thuận cho giao thương buôn bán nên cũng dư giả nguyên liệu ngon nhất, quý nhất. Đây là những chất liệu để họ sáng tạo nên cả một nền văn hóa ẩm thực độc đáo.
Nhắc đến thức quà Hà Nội, nhiều người cho rằng đó chẳng qua chỉ là những món ăn được du nhập từ các vùng quê lân cận. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến phủ nhận điều này. Ông cho rằng, thật ra nhiều món ăn có gốc gác Hà Thành lại thường bị nhầm thành của nơi khác, và những món ăn từ địa phương khác khi đến Thủ đô cũng sẽ được phả vào cái hồn riêng, mang hương vị riêng. Người Hà Nội thưởng quà với sự ung dung và tấm lòng trân trọng, biến việc ăn uống thành một nét văn hóa tinh tế.
Từ trái qua: nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Tiến, nhà báo Trần Phương Quang. |
Ông cũng chỉ ra chất riêng trong văn Băng Sơn: có sự tiếp nối từ những cây bút tài hoa Vũ Bằng, Thạch Lam nhưng lại có lối viết nhẹ nhàng, chân thành tái hiện sự vật một cách chân thực chứ không nhiều hư cấu dù người viết tùy bút hoàn toàn được làm vậy. Vì thế, người đọc sẽ cảm thấy rất dễ gần, dễ cảm.
Có mặt trong buổi tọa đàm, đại diện gia đình, con trai cố nhà văn Băng Sơn - Nhà báo Trần Phương Quang cho rằng, tuy cách ăn chơi của người Hà Nội xưa và nay có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng không thể nói thời nào hơn. Văn hóa không thể đặt lên bàn cân mà sẽ tùy theo cách đánh giá, cảm nhận của mỗi con người, mỗi thời đại.
Không chỉ được khám phá một Hà Nội xưa đầy quyến rũ, hào hoa qua những phần chia sẻ của khách mời, độc giả tham dự chương trình còn hào hứng tham gia trò chơi bịt mắt nếm thức quà truyền thống Hà Nội như sấu, mứt sen, hay đoán tên những con đường Hà Nội qua mô tả của nhà văn Băng Sơn trong hai tập tùy bút.