Hai dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (dài 49 km) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 101 km) sẽ chính thức đưa vào khai thác, vận hành từ 10h ngày 19/5 theo kế hoạch của Bộ GTVT. Đây là 2 dự án thành phần trong số 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020.
Hai dự án được thiết kế mặt cắt ngang 4 làn xe, 2 làn mỗi chiều. Trên tuyến bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liền mạch với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng chiều xe chạy. Ôtô được phép lưu thông trên 2 cao tốc này với tốc độ tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trước ngày thông xe. Ảnh: Xuân Hoát. |
Đối với dự án Nha Trang - Cam Lâm, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu dự án (km5+783) đến nút giao cuối dự án (km52+892).
Tuy nhiên, trong điều kiện cao tốc Vân Phong - Nha Trang và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa thông xe, Bộ GTVT hướng dẫn phương tiện lưu thông hướng Bắc - Nam từ quốc lộ 1 vào quốc lộ 27C, nhập vào cao tốc tại nút giao quốc lộ 27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với quốc lộ 1 thông qua quốc lộ 27B.
Trước mắt, xe cộ có thể lưu thông trên tuyến chính và 2/4 nút giao, bao gồm nút giao đầu tuyến kết nối với quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, và nút giao cuối tuyến kết nối với quốc lộ 27B thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa.
Trên tuyến dự kiến có trạm dừng nghỉ tại Km24 (bố trí hai bên đường). Bộ GTVT đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hạng mục này. Trước mắt, nhà đầu tư dự án chưa tổ chức thu phí theo Hợp đồng BOT.
Đối với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các phương tiện được lưu thông từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với dự án Phan Thiết - Dầu Giây đi TP.HCM. Dự án đưa vào khai thác hoàn thiện 5/5 nút giao, gồm nút giao Vĩnh Hảo (km134+700), Nút giao Chợ Lầu (km162+777,78), nút giao Đại Ninh (km178+655,22), nút giao Ma Lâm (km208+701,74), nút giao Phan Thiết (km234+617,56).
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo giúp nối dài trục đường cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh nam trung bộ. Đồ họa: Tiến Hoàng. |
Trên tuyến dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại km144+560 và km205+092 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận.
Trước mắt, phương tiện lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng chưa phải trả phí. Đây là dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tăng cường lực lượng điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây mất an toàn giao thông trên tuyến.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài gần 50 km, được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT với tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2021.
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài 101 km, được đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, thi công từ tháng 11/2020.
Bộ GTVT cho biết thời gian qua, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu cùng hàng nghìn cán bộ, công nhân viên đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, làm việc “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ với quyết tâm đưa 2 dự án vào khai thác đúng dịp 19/5 (133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Trong đó, Dự án Nha Trang - Cam Lâm đã rút ngắn thời gian đưa vào khai thác 3 tháng so với kế hoạch, giữ vững lời cam kết của nhà đầu tư PPP với Thủ tướng.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.