iPhone 16 vẫn dùng màn hình 60 Hz. Ảnh: Julian Chokkattu. |
iPhone 16 và 16 Plus vừa mới ra mắt với hàng loạt nâng cấp mới. Nhưng 2 sản phẩm này vẫn giữ nguyên kích thước màn hình 6,1 inch và 6,7 inch từ dòng tiền nhiệm iPhone 15 và 15 Plus.
Đây cũng chính là nguồn cơn khiến Apple bị chỉ trích. Bán cho phân khúc cao cấp, các mẫu iPhone của Apple luôn tụt hậu so với Android về các thông số cấu hình, đặc biệt là công nghệ màn hình hiển thị, PCMag nhận định.
Hầu hết màn hình điện thoại ngày nay đều có nhiều công nghệ, đặc biệt là với dòng flagship như iPhone 16 Pro, Google Pixel 9 Pro và Samsung Galaxy S24 Ultra. Một trong những thay đổi lớn nhất trong những năm gần đây là tính năng Dynamic Refresh Rates (DRR). Công nghệ này giúp màn hình thay đổi refresh rate (tốc độ làm mới) liên tục tùy thuộc vào ứng dụng đang sử dụng hoặc tác vụ đang thực hiện.
Ví dụ, nếu bạn đang xem một trang web tĩnh, tốc độ làm mới có thể giảm xuống để tiết kiệm pin. Ngược lại, khi bạn đang chơi game hoặc lướt nhanh mạng xã hội, tốc độ làm mới tăng lên, tạo trải nghiệm mượt mà hơn.
Apple đã tích hợp công nghệ này vào các mẫu iPhone Pro với tên gọi "ProMotion". Cả iPhone 16 Pro và Pro Max đều có màn hình DRR có thể chuyển đổi giữa tần số quét thấp 1 Hz đến cao 120Hz.
Tuy nhiên, thật khó hiểu khi các mẫu iPhone cơ bản như iPhone 16 và 16 Plus vẫn còn mắc kẹt với màn hình 60 Hz. Thông số này đã dần lỗi thời trong thời đại ai cũng yêu cầu trải nghiệm vuốt cuộn mượt mà và DRR dần trở thành tiêu chuẩn.
Trên thực tế, nhiều điện thoại tầm trung có giá từ 300-500 USD, như Google Pixel 8a, đã sử dụng màn hình DRR. Không chỉ vậy, một số dòng giá rẻ 200 USD cũng đã hỗ trợ công nghệ màn hình mới như Samsung Galaxy A15 5G có màn hình 90Hz hay Motorola Moto G 5G có màn hình 120Hz.
Samsung Galaxy A15 5G giá 199 USD có màn hình 90Hz. Ảnh: Iyaz Akhtar. |
Theo PCMag, trước đây, DRR từng là tính năng chỉ có trên các dòng điện thoại cao cấp. Nhưng kể từ khi Samsung trang bị công nghệ màn hình này cho Galaxy Note 20 vào năm 2020, nó đã dần xuất hiện ở các mẫu giá rẻ.
Tốc độ làm mới nhanh hơn có nghĩa là thao tác cuộn mượt hơn và chuyển giữa các ứng dụng nhanh hơn. Người dùng sẽ nhận thấy rõ điều này khi duyệt web, mở app hoặc chơi game.
Bên cạnh đó, DRR cũng hỗ trợ các tính năng mới như Always-On Display (màn hình luôn bật). AOD hiển thị các thông tin cơ bản như thời gian, tiện ích và thông báo, mà không cần mở khóa thiết bị.
DRR cũng giúp tiết kiệm pin vì màn hình có thể giảm tốc độ làm mới chậm xuống chỉ còn một lần/giây, thay vì 60 hoặc 120 lần/giây. Các mẫu iPhone Pro đã có tính năng này từ nhiều năm qua, nhưng các mẫu tiêu chuẩn vẫn chưa được nâng cấp.
Đối với nhiều người, sự thiếu sót này rất đáng thất vọng. iPhone 16 và 16 Plus vẫn là dòng smartphone cao cấp. Do đó, người dùng mong đợi chúng có thể có nhiều tính năng giống hoặc gần bằng Pro. Mặc dù phân cấp rõ ràng giữa dòng iPhone tiêu chuẩn và Pro là chiến lược của Apple, trên thực tế, các mẫu Pro đắt tiền nhân vốn đã được khác biệt nhờ hệ thống camera, vi xử lý cao cấp.
Vì vậy, không có lý do gì Táo khuyết không thể trang bị cho các mẫu cơ bản màn hình DRR - công nghệ hiển thị đang phổ biến trên các dòng điện thoại Android, PCMag nhận định.
Theo trang tin, Apple đang ép khách hàng phải chấp nhận một tiêu chuẩn thấp hơn, trong khi các đối thủ đang ngày càng bổ sung nhiều cải tiến hơn với giá thấp hơn.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn