Ngày 28/5, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức kỳ họp thứ 21 để thông qua các nghị quyết quan trọng về đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 4 nghị quyết gồm: Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng đặc dụng (hơn 34 ha) để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết đồng thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến nguồn vốn đầu tư là trên 23,7 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách địa phương là gần 19,9 tỷ đồng và vốn Trung ương trên 3,8 tỷ đồng.
Đối với dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, HĐND tỉnh Tây Ninh thống nhất phương án đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải giao UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Các đại biểu thông qua các Nghị quyết. |
Theo dự án, điểm đầu đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, đi song song và cách quốc lộ 22 hiện hữu khoảng 3 km đến 5 km; điểm cuối đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Theo quy hoạch, đoạn từ TP.HCM đến đường ĐT.787B (thị xã Trảng Bàng) sẽ có 8 làn xe; đoạn đường còn lại từ ĐT.787B đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sẽ có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50 km, trong đó đoạn qua TP.HCM là 23,7 km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3 km.
Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) dự kiến là 15.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 7.433 tỷ đồng (chiếm 47%), do TP.HCM và tỉnh Tây Ninh chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, việc triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối với Vương quốc Campuchia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Tây Ninh.