Khoảng 11h45 ngày 31/5, chuyến tàu hàng mang số hiệu ASY22 với 23 toa tàu có tải trọng 939 tấn đã tiến hành thông hầm kỹ thuật và thử tải an toàn qua hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) với vận tốc 5 km/h.
Sau 10 ngày gặp sự cố, hầm đường sắt Chí Thạnh đã thông. |
Tại hiện trường, ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là nỗ lực của ngành đường sắt cùng các đơn vị thi công hoàn thành khắc phục sự cố sạt lở đất đá xảy ra cách đây 10 ngày. Hầm đường sắt Chí Thạnh được thông đã nối lại các hoạt động bình thường của tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo ông Tuấn, dự kiến, lúc 14h30 cùng ngày, đoàn tàu khách mang số hiệu HSE9 (từ Hà Nội vào TP.HCM) sẽ là đoàn tàu chở khách đầu tiên đi qua hầm đường sắt Chí Thạnh.
Tiếp theo là các chuyến tàu SE21 di chuyển theo hướng Bắc - Nam và đoàn tàu SE8 di chuyển theo hướng Nam - Bắc qua hầm Chí Thạnh trong ngày.
Những ngày qua, sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh với khối lượng đất đá hơn 400 m3 khiến tuyến đường sắt qua khu vực này bị ách tắc trong nhiều ngày. Ngành đường sắt đã phải thực hiện trung chuyển 128 chuyến tàu với hơn 36.000 hành khách từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai và ngược lại để đảm bảo lịch trình di chuyển.
Sau khi chính thức thông hầm đường sắt Chí Thạnh, đơn vị thi công sẽ tiếp tục kiểm tra và sửa chữa hầm cho đến khi đủ điều kiện an toàn, tiêu chuẩn kỷ thuật rồi sẽ nâng tốc độc của các tàu qua hầm là 15km/h. Hiện, toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam còn 12 hầm đường sắt xuống cấp cần sửa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu.
Những ngày qua, để khắc phục sự cố sạt lở, Ban Quản lý Dự án 85 đã huy động công nhân phối hợp với lực lượng Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh; đồng thời huy động thêm Công ty Cổ phần Tập Đoàn Đèo Cả hỗ trợ máy móc hiện đại và nhân lực. Tổng cộng có hơn 200 cán bộ, công nhân chia thanh 3 ca túc trực 24/24 giờ.
Toa tàu đi qua hầm đường sắt Chí Thạnh với vận tốc 5 km/h. |
Trong quá trình thực hiện, công nhân gặp nhiều khó khăn khi thời tiết có mưa khiến cho lớp đất đá thêm mềm nhão, dễ sạt lở. Bên cạnh đó, do địa chất phức tạp, lớp đất đá tại khu vực hầm bị phong hóa lâu ngày càng trở nên bở rời, ít liên kết. Trong quá trình khắc phục, đất đá tiếp tục sạt lở nên lượng đất đá trong hầm lớn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, thời gian thông hầm bị lùi lại nhiều lần.
Như VTC News đã đưa tin, ngày 21/5, hầm đường sắt Chí Thạnh bị một khối lượng đất đá đổ ập xuống, bịt kín đường hầm khi đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa. Nguyên nhân sạt lở được xác định là do đất đá bị phong hóa kết hợp tầng phủ trên nóc hầm mỏng cùng với thời tiết bất lợi.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.