Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh An Giang về vấn đề nóng mà dư luận quan tâm là phí trả nợ ngân hàng trước hạn.
Trước đó, trong một kiến nghị gửi đến Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cử tri An Giang đề nghị Thống đốc nên giảm bớt phí trả nợ ngân hàng trước hạn từ mức 5% tính trên tổng dự nợ hiện nay xuống còn 2-3%, để giảm gánh nặng cho người vay vốn.Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc thu phí trả nợ trước hạn được quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và Thông tư số 05-2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức phí phải trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh An Giang về vấn đề nóng mà dư luận quan tâm là phí trả nợ ngân hàng trước hạn. |
Quy định này là phù hợp với thực tế. Vì khi cho vay, tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động của mình (bao gồm tiền gửi của tổ chức, cá nhân, nguồn vốn đi vay và các nguồn vốn khác) cả về lãi suất và kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu của khoản vay. Đồng thời, trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, tổ chức tín dụng cũng phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn tín dụng đã huy động để cho khách hàng vay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay. Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2014, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật. Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ các khoản phí quy định tại Thông tư số 05/2011.
“Vì vậy, trường hợp tổ chức tín dụng áp dụng mức phí trả nợ trước hạn cao, không phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, đề nghị cử tri phản ánh ngay và cung cấp thông tin đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn để có ý kiến đề nghị tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét áp dụng mức phí hợp lý”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đến từ Hiệp hội Ngân hàng, nguyên nhân gây bức xúc trong việc ngân hàng thu phí trả nợ trước hạn nằm ở việc mập mờ thông tin.
Trong thực tế, rất ít ngân hàng nêu cụ thể vấn đề này trong hợp đồng. Các ngân hàng chỉ nêu chung chung là mức phí phạt trả nợ trước hạn được áp dung theo quy định của ngân hàng. Hoặc có nêu thu 5% hay 8% trên tổng dư nợ còn lại hoặc trên tổng số tiền trả trước hạn thì khách hàng cũng không thể hình dung được chi phí phát sinh khi trả nợ trước hạn nếu nhân viên tín dụng không tư vấn kỹ.
Luật bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu vấn đề này phải nói rõ, có phụ lục kèm theo nhưng hầu hết các ngân hàng không thực hiện đúng, gây khó khăn cho người vay vốn.
Hai vấn đề lưu ý
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết có 2 vấn đề đáng lưu ý trước hiện tượng thu phí trả nợ trước hạn.
Một là vào thời điểm ban hành Thông tư 05/2011, thị trường tiền tệ có nhiều biến động, Ngân hàng nhà nước quản lý bằng các loại trần lãi suất nên các ngân hàng thương mại đồng loạt “đẻ” ra các loại phí và đẩy mức thu lên cao để lách trần lãi suất nên Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 05 để quản lý.
Thông tư này yêu cầu các ngân hàng thương mại không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng, trừ 3 khoản phí. Đó là phí trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn và phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng theo quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Phí thu xếp để thực hiện ký kết hợp đồng đồng tài trợ theo phương thức cho vay hợp vốn giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng theo quy định về cho vay đồng tài trợ của tổ chức tín dụng. Các loại phí được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cho vay.
Nay đã trở lại lãi suất tự do, thị trường có cạnh tranh nhưng Ngân hàng Nhà nước không rút lại Thông tư 05. Thông tư này căn cứ vào Pháp lệnh Phí và lệ phí là chưa phù hợp, vì phí và lệ phí có nguồn gốc từ tiền ngân sách, còn phí trước hạn các ngân hàng đang thu của khách lẽ ra phải là giá, phải được điều chỉnh theo Luật giá và theo thị trường vì liên quan đến hoạt động và các dịch vụ khác của ngân hàng thương mại.
Hai là mức phí được thu bao nhiêu. Nếu theo Bộ Luật dân sự thì các khoản vay có kỳ hạn trả trước được thu tới 100% lãi suất. Nhưng trong thực tế không ngân hàng nào thu đến mức này vì còn có yếu tố cạnh tranh. Vào thời điểm thị trường biến động, có ngân hàng đã thu tới 20% phí trả nợ trước hạn trên tổng dư nợ.