Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thống đốc nói gì về lợi ích nhóm trong ngân hàng?

Trong phiên chất vấn chiều nay cũng như buổi sáng, tâm điểm các câu hỏi với Thống đốc Nguyễn Văn Bình là lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng.

Thống đốc nói gì về lợi ích nhóm trong ngân hàng?

Trong phiên chất vấn chiều nay cũng như buổi sáng, tâm điểm các câu hỏi với Thống đốc Nguyễn Văn Bình là lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng.

Đầu phiên chất vấn buổi chiều, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi: Có hay không việc đảo lại nợ để khuynh đảo nền kinh tế của nhóm lợi ích? Tiếp đó, đại biểu Vũ Thị Hương Sen chất vấn Thống đốc về khả năng tiếp tay của lãnh đạo, nhân viên ngân hàng khiến nợ xấu gia tăng. “Lời ăn lỗ chịu là quy luật thị trường, nhưng với doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ thì lời ăn, lỗ nhà nước chịu. Vậy trong một nhiệm kỳ, Thống đốc đã xử lý bao nhiêu vụ, làm thế nào để ngăn chặn”, đại biểu trẻ đến từ Hải Dương nêu ý kiến.

Trả lời câu hỏi của của một đại biểu từ buổi sáng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ, đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu là của Chính phủ, do đó, ở đây không thể nói có lợi ích nhóm. Trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, ông Bình cho biết, trong đợt thanh tra từ đầu năm, ngoài các ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu cũng đã thanh tra 27 tổ chức tín dụng toàn quốc – con số lớn nhất từ trước đến nay.

Kết quả cho thấy, nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi 1 nhóm cổ đông. Dư nợ của nhóm này và người liên quan chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí 90%. “Điều này là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật”, ông Bình chia sẻ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu câu hỏi về những bất cập trong quản lý vàng, thiếu minh bạch trong cho vay và đi vay giữa các ngân hàng, tạo ra bong bóng có liên quan tới nợ xấu và đặt ra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị định 24 không có nội dung bắt người dân phải chuyển phi SJC sang SJC. “Các loại vàng không phải SJC vẫn được lưu hành bình thường”, ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề vàng, ông Bình bổ sung, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều áp lực của một số đối tượng núp dưới nhiều danh nghĩa, có cả người dân nhằm ép cơ quan này phải cấp phép nhập vàng. Bản chất của việc này là buộc Ngân hàng Nhà nước dùng ngoại tệ để giảm lỗ cho hoạt động kinh doanh vàng, song cơ quan này kiên quyết không đồng ý.

Nhắc lại câu nói “không hứa gì về xử lý nợ xấu” của Thống đốc, đại biểu Đỗ Ngọc Liễn đặt vấn đề, liệu rằng ông Bình e sợ điều gì chăng? Trong hệ thống ngân hàng có lợi ích nhóm là đồn đoán của dư luận, đại biểu này yêu cầu Thống đốc có hay không có lợi ích nhóm, đã xử lý bao nhiêu trường hợp?

Ông Bình cho hay, là Thống đốc, ông chỉ có thể chủ động trong lĩnh vực mình phụ trách, còn các biện pháp chung phải có sự phối hợp. “Ở đây tôi cũng hàm ý, một mình ngân hàng không thể làm được và cần đến ý chí chung”, ông Bình phân bua.

Chốt lại hơn 3 tiếng chất vấn của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch nêu thắc mắc, tại sao trước kia Thống đốc nói sẽ điều tiết khi chênh lệch giá 400.000 đồng giữa trong nước và quốc tế, giờ không làm được và giải thích là không liên thông giá vàng trong nước và quốc tế. Ông Bình cho biết, đã có giải trình trước đó nhưng có lẽ năng lực giải thích có hạn nên không nói lại và kết thúc phiên chất vấn. 

Kết thúc phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có 17 đại biểu đặt câu hỏi, vẫn còn 23 người trong danh sách chờ. Lần chất vấn này của Thống đốc chưa có câu hỏi nào liên quan đến thâu tóm ngân hàng.

 Hơn 2 lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì trả lời quá dài dòng.

Trong buổi sáng, 3 đại biểu đầu tiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình có 2 câu về lợi ích nhóm. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng trôi qua, Thống đốc vẫn chưa trả lời và liên tục bị nhắc nhở vì dài dòng. Có hay không lợi ích nhóm trong cơ chế quản lý kinh doanh vàng miếng là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đặt ra với Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Đại biểu nói: “Tại sao Ngân hàng Nhà nước không tập trung quản lý chất lượng vàng, lại đi quản lý thương hiệu để tạo ra độc quyền?”.

Đại biểu Đoàn Thị Mỹ Hương đề cập thêm về vấn đề lợi lợi ích nhóm khi ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và yêu cầu Thống đốc chỉ rõ “con đường” và cách thức các nhà băng thực hiện cũng như tính công khai, minh bạch của vấn đề này.

Chưa trả lời trực tiếp về lợi ích nhóm, ông Bình cho biết việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng được kiểm soát tốt, tăng lên 14.000 tỷ đồng từ đầu năm, đưa tổng số dư chung, riêng cỡ 75.000 tỷ đồng. Số nợ xấu đã xử lý được là 12.000 tỷ đồng. Sắp tới, các tổ chức tín dụng nào chưa trích lập đầy đủ thì chưa được chia cổ tức, tiền lương là giải pháp để tạo nguồn vốn xử lý nợ xấu.

“Hơn 80% nợ xấu là có tài sản đảm bảo, gần 57% được đảm bảo bằng bất động sản. Nợ xấu hiện nay 4,93%, số trích lập xấp xỉ 2,5-3% nợ xấu. Nếu quyết tâm, ít nhất có thể làm cho nợ xấu chững lại, không gia tăng nữa”, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Trả lời câu hỏi đầu tiên của đại biểu Dương Hoàng Hương đến từ Phú Thọ, ít nhất 2 lần Thống đốc bị Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở vì dài dòng. Ông Hùng đề nghị trả lời ngắn, làm rõ, và dẫn ví dụ nên đi vào từng vấn đề, thay vì “nói dài mà không ra được vấn đề”, chiếm 30-40 phút mà chưa trả lời được một câu hỏi.

Sốt ruột với câu trả lời của Thống đốc, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hỏi thẳng: “Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đã ngồi với nhau chưa, hay là sẽ?”. Ông Bình cho biết đã "ngồi" nhiều lần với Bộ Công thương, và đưa ví dụ các chương trình cho vay cá tra, ba sa, "ngồi" với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để đưa các con số tồn đọng cho đầu tư cơ bản.

Các vấn đề chính chất vấn Thống đốc Bình, theo ông Nguyễn Sinh Hùng là thị trường tiền tệ với 3 vấn đề lớn là vốn cho sản xuất kinh doanh song vẫn đảm bảo tăng trưởng kiềm chế lạm phát; giải quyết thanh khoản, nợ xấu lớn cho từng loại khác nhau nhằm khơi thông tạo dòng chảy cho nền kinh tế vào đúng chỗ; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đảm bảo an toàn, không gây ra đột biến về mặt tiền tệ, tạo tâm lý thị trường yên tâm, đảm bảo tiền gửi người dân thêm an toàn. Tiếp đó là thị trường vàng để đảm bảo nền kinh tế không bị vàng hóa, dùng đúng mục đích, không thông qua vàng để đầu cơ, đầu tư, giải quyết ngăn chặn tiêu cực gây bức xúc, bất an trong xã hội hiện nay.

Đến 11h, hơn 1 tiếng từ khi bắt đầu trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đi vào câu hỏi thứ hai của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết. Trong suốt phiên chất vấn buổi sáng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chưa một lần trực tiếp đề cập đến lợi ích nhóm và luôn trả lời một cách xen kẽ khiến cho nhiều đại biểu đã hỏi chưa thấy thoải mái với câu trả lời. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng vẫn phải nhắc nhở, ngắt lời.

Trong phiên chất vấn, với câu hỏi số tiền ngân hàng huy động được trong thời gian qua dùng để làm gì trong khi tín dụng không tăng được, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có giải trình cụ thể về việc này.

Ông nói: Tỷ lệ tăng huy động từ đầu năm là khoảng 14% còn tăng tín dụng đến hết tháng 10 là 3,36%. 14% quy ra tiền khoảng trên dưới 400.000 tỷ đồng, còn tín dụng là hơn 80.000 tỷ. Tính thêm số tiền hơn 183.000 tỷ đồng mua trái phiếu, trên dưới 20.000 tỷ Ngân hàng Nhà nước phải hút tiền về vì sợ lãi suất xuống thấp, 50.000 tỷ là dự trữ bắt buộc cùng 50.000 tỷ đồng số tiền gửi dư thừa của các nhà băng, toàn bộ cũng lên tới 360.000 tỷ đồng. Số còn lại hơn 40.000 tỷ đồng là tiền đảm bảo thanh toán tại quỹ của các ngân hàng thương mại.

Lan Anh

Theo Infonet
 

Lan Anh

Theo Infonet
 

Bạn có thể quan tâm