Với độ dài gần 9.000 chữ, bản báo cáo của Thống đốc gửi Quốc hội đề cập nhiều nội dung lớn, từ điều hành chính sách tiền tệ đến tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cho ngư dân.
Đến 31/10, dư nợ tín dụng tăng 7,18%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. |
Theo báo cáo, đến 31/10/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,6%, trong đó, huy động vốn VND tăng 14,06% mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Đây là nguồn vốn dồi dào và ổn định để các tổ chức tín dụng có dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng.
Ước cả năm 2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 16% so với cuối năm 2012, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 7%, đảm bảo thanh khoản và thể hiện sự thành công trong việc chuẩn bị nguồn lực tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, Thống đốc cho biết.
Cũng tính đến 31/10/2013, báo cáo nêu rõ, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, tuy còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013 nhưng đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung tăng trưởng cao hơn đối với lĩnh vực ưu tiên. "Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11-12% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm", Thống đốc viết.
Xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn
Vẫn là các con số đã được báo cáo trước Quốc hội từ đầu kỳ họp về nợ xấu được nêu lại tại báo cáo, như đến cuối tháng 9/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,62%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012, hay dự kiến đến cuối năm 2013, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ mua được tối thiểu 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nhưng, Thống đốc lo ngại việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn, do phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hoá còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp.
Bên cạnh đó các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản cần phải có thời gian phát huy tác dụng. Thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường tài chính trì trệ gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ.
Khó khăn nữa là các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn chưa được triển khai đồng bộ và phát huy tác dụng(biện pháp chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu) đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu.
Đáng lưu ý là báo cáo nhắc đến nguyên nhân thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho việc xử lý nợ xấu, trong khi môi trường kinh doanh không thuận lợi khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, Thống đốc vẫn bày tỏ tin tưởng, rằng nếu 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ nêu tại Đề án xử lý nợ xấu được hệ thống các tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.
Cho dù không nằm trong danh sách chính thức trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội tại kỳ họp này, Thống đốc Bình cùng nhiều vị tư lệnh khác vẫn sẽ có mặt tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bắt đầu từ 19/11, ở vị trí sẵn sàng "chia lửa".