Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden, hai lãnh đạo nhất trí thúc đẩy liên minh Nhật Bản - Mỹ, tiếp tục hợp tác vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo Nikkei Asia.
Ông Biden nhắc lại Điều 5 trong Hiệp ước An ninh Song phương, trong đó Mỹ cam kết nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản và mở rộng đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khu vực này do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Sau đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, ông Kishida hoan nghênh việc thành lập AUKUS - khuôn khổ hợp tác an ninh mới giữa Australia, Anh và Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters. |
Sắp tới, ông Kishida có kế hoạch hội đàm với các lãnh đạo khác ở châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, tân thủ tướng Nhật Bản sẽ không bắt đầu hoạt động đối ngoại cho đến sau cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, dự kiến diễn ra ngày 31/10.
Trước đó, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cho biết: "Nhật Bản không chỉ theo dõi sát sao (về căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan) mà sẽ thận trọng đánh giá tình huống và cách ứng phó của nước này".
Tuyên bố của ông Motegi được đưa ra sau khi hơn 50 máy bay chiến đấu Trung Quốc đại lục xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm 4/10.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực mà Nhật Bản tuyên bố lãnh hải trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng tăng hơn gấp đôi so với năm 2020.
Trong nhiệm kỳ thủ tướng mới, phản ứng của Nhật Bản với Covid-19, kế hoạch khôi phục kinh tế cùng với chính sách đối ngoại và an ninh là ba mối quan tâm hàng đầu của ông Kishida.