Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông điệp gì khi trâu chọi thắng hay thua đều bị làm thịt?

Nhiều ý kiến độc giả cho rằng lễ hội chọi trâu tuy có từ lâu đời, có giá trị văn hóa nhưng không mang tính giáo dục, thậm chí đầy bạo lực, dã man.

Trưa 1/7, tại vòng loại Hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) gặp trâu số 23 tranh tài vào vòng chung kết.

Lao vào tấn công trâu và chủ trâu đối phương không thành, trâu 18 bất ngờ quay lại rượt đuổi chính chủ mình. Ông Hướng không kịp phản ứng, bị cặp sừng trâu sắc nhọn xuyên trúng đùi trái, ngực phải và sau gáy. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng, sau 6 giờ chữa trị, nạn nhân đã tử vong.

Chứng kiến hình ảnh này, cộng đồng mạng đưa ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Phần lớn thể hiện rõ quan điểm nên bãi bỏ những lễ hội đầy rẫy nguy hiểm, rủi ro như trên.

Lễ hội đầy rẫy nguy hiểm

Trước những bình luận cần dẹp bỏ nhanh chóng những lễ hội mang tính nguy hiểm như trên, cũng có ý kiến cho rằng không thể không lưu giữ nét văn hoá của dân tộc. "Sinh nghề, tử nghiệp. Mỗi nghề đều mang trong mình một nguy hiểm riêng. Nuôi trâu chọi là một nghề và người thiệt mạng cũng chỉ do đen đủi", một bạn đọc bày tỏ quan điểm. 

Tuy nhiên, bình luận trên cũng nhận được nhiều phản bác khác khi thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình huống nguy hiểm trong các lễ hội chọi trâu.

Nếu thường xuyên theo dõi những hình ảnh, video trong các lễ hội trọi trâu hàng năm ở Hải Phòng, Phúc Thọ, Vĩnh Phúc… chắc hẳn nhiều khán giả sẽ không thể quên những giây phút khiếp sợ khi chứng kiến cảnh trâu điên đuổi người.

Ở hội trâu Phúc Thọ 2014, một CSGT bị trâu đuổi khi đang vào trong làm nhiệm vụ. Trong lễ hội chọi trâu Phúc Thọ năm 2015, nhiều trâu thua trận lao thẳng vào các chủ trâu cũng khiến nhiều khán giả hoảng sợ.

Troi trau mang day tinh bao luc anh 1
Hình ảnh một CSGT làm nhiệm vụ bị trâu đuổi tại lễ hội ở Phúc Thọ năm 2014.

Hình ảnh lực lượng an ninh phải leo rào né tránh, chủ trâu sợ hãi bỏ chạy trước sự truy đuổi của vật nuôi, mất mạng vì trâu tấn công… không còn xa lạ với người xem. Trong những tình huống này, dù là người có ít hay nhiều năm kinh nghiệm cũng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm mỗi khi dẫn "học trò" ra trận.

"Một lễ hội kinh dị, không một chút an toàn. Trọng tài, chủ trâu, cảnh sát... như là những vật thế mạng mỗi khi trâu nổi điên, thua cuộc. Tại sao nguy hiểm rõ ràng như vậy mà họ vẫn tổ chức, hò reo?", độc giả Phương Thoa bức xúc. 

Những chủ trâu đổ máu, thậm chí mất mạng chỉ vì thú vui này liệu có đáng? Ngoài ra, với hàng rào tạm bợ kia người xem rất có thể cũng là nạn nhân của những con trâu hung hăng này. Trâu chọi rất khỏe, với hàng rào bảo vệ xây tạm bợ như vậy rất nguy hiểm cho người xem. Chưa kể phần lớn nhiều khán giả vì quá khích cũng trèo qua rào vào trong để xem, không màng tới sự an toàn của tính mạng.

“Cơ quan chức năng nên ra yêu cầu những nơi nào có lễ hội chọi trâu nên xây sân vận động kiên cố, bên trong cần phải có lối thoát hiểm cho chủ trâu và các chiến sĩ bảo vệ nếu không thì cấm thi đấu”, bạn đọc Lan Anh viết.

Troi trau mang day tinh bao luc anh 2
Nhiều khán giả chủ quan với mạng sống của chính mình khi trèo vào tận trong sới đấu. 

Lễ hội bạo lực, không mang tính giáo dục

Bàn về chọi trâu, nhiều người cho rằng lễ hội này được coi là nét văn hoa đặc trưng vùng miền có thể thu hút du khách mang lại lợi ích về đời sống. Tuy nhiên, lễ hội cũng mang lại nhiều rủi ro cho cả người chơi lẫn khán giả vì vậy cần phải ngăn chặn, thậm chí là loại bỏ ra khỏi xã hội.

"Xã hội ngày càng phát triển, người ta chỉ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa có tính giáo dục, nhân văn. Không ai ủng hộ một lễ hội mạng tính bạo lực, có nguy cơ thương vong về người cả. Những lễ hội như vậy cần phải đào thải khỏi xã hội", độc giả Hòa Hưng chia sẻ.

Troi trau mang day tinh bao luc anh 3
Những người chủ trâu có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Ảnh chụp cảnh trâu bị đứt chạc khiến chủ rất khó khống chế tại lễ hội Hải Lựu đầu năm 2017.

Không ít người bày tỏ mong muốn cần phải loại bỏ chọi trâu bởi lễ hội không mang lại giá trị, sau mỗi trận đấu trâu thắng cuộc cũng như thua cuộc đều bị đem ra làm thịt.

“Thắng thua rồi cũng chết vậy lễ hội này muốn truyền đạt tới mọi người thông điệp gì? Theo tôi nó không có ý nghĩa gì cả. Thường những cái không có ý nghĩa nên cho dừng lại để nhường chỗ cho những lễ hội khác mang tính giáo dục con người cao”, độc giả Nguyễn Trang phân tích.

Bện cạnh nhiều ý kiến cho rằng lễ hội chọi trâu nên cấm, một số người cho rằng nếu duy trì, ban tổ chức phải có những cảnh báo an toàn về luật chơi sao cho giảm thiểu tai nạn đáng tiếc và thay đổi “phần thưởng” cho những con trâu thắng cuộc.

Trâu húc chủ trọng thương ở Đồ Sơn Trưa 1/7, vừa vào sân, trâu số 18 bất ngờ lao vào húc chủ của mình là ông Đinh Xuân Hướng (47 tuổi) khiến ông này trọng thương rồi tử vong sau đó.

Những lần khán giả, công an chạy thục mạng né trâu chọi hung dữ

Phần lớn lễ hội chọi trâu ở miền Bắc đều để lại những cảnh gây e sợ cho khán giả. Nhiều người trèo qua rào vào trong để xem, lực lượng an ninh cũng phải leo rào né tránh.



Nguyên Phương

Bạn có thể quan tâm