Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Lần đầu tiên được tổ chức, Ngày Chuyển đổi số quốc gia góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trên cả nước.

Chuyen doi so quoc gia anh 1

Sáng 10/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tham dự chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức.

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh và nguồn lực, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Chuyển đổi số tại Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực

Năm 2022 là lần đầu diễn ra Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10/10 dựa trên Quyết định số 505-QĐ/TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/4.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

Tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng nêu lên 5 thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới.

Thứ nhất: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai: Nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng mức độ hài lòng của người dân.

Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư: Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến...

Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm: Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Chuyen doi so quoc gia anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt các kết quả tích cực, bao gồm chuyển biến về nhận thức, hành động chuyển đổi số, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế và chính sách. Hạ tầng, nền tảng số cũng được tăng cường đầu tư và phát triển. Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy.

Chuyển đổi số quốc gia giúp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả và sâu rộng. An ninh và an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính, nhân lực cho chuyển đổi số được tăng cường. Cuối cùng, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

"Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng phát biểu.

Gần 100 triệu người Việt đang chuyển đổi số

Cùng với Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT phát động Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số". Đây là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu cho người dân những sản phẩm, dịch vụ số, từ đó kích thích tiêu dùng số, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuyển đổi số là hành trình dài, toàn dân và toàn diện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động sự tham gia của toàn dân. Do đó, Ngày Chuyển đổi số quốc gia là dịp nâng cao ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số với mỗi người dân nói riêng, với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung. Nhiệm vụ trọng tâm của chuyển đổi số 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số Make in Vietnam.

Chuyen doi so quoc gia anh 3

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP.


Bộ TT&TT chỉ đạo, đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân. Mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đã được tiếp cận trên toàn quốc.

Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về chuyển đổi số, hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Vì vậy, Ngày Chuyển đổi số quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là phương thức mới để giải quyết các vấn đề cuộc sống. Trong thế giới thực, chúng ta đang gặp phải những vấn đề như cạn kiệt tài nguyên, khoảng cách nông thôn và thành thị, một cá nhân không thể sở hữu công nghệ cao đắt đỏ sáng tạo... Kinh tế số sẽ tạo một không gian sống mới là không gian số.

"Trong không gian này, những vấn đề của giới thực sẽ cơ bản được giải quyết, con người tạo ra tài nguyên dữ liệu, không còn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong tiếp cận giáo dục, y tế.

Công nghệ cao được cung cấp dưới dạng dịch vụ với giá rất rẻ như điện, như nước, ai cũng có thể tiếp cận, sáng tạo. Con người làm việc trên nền tảng số là đứng trên cả hệ tri thức đồ sộ. Chuyển đổi số sẽ tạo nên sức mạnh cho mỗi người. 100 triệu người Việt Nam đang chuyển đổi số và đây là sức mạnh của Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.

Chuyển đổi số thành hay bại phụ thuộc vào người đứng đầu

Người đứng đầu có vai trò quyết định trong tháo gỡ, thay đổi thể chế để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm