Thông điệp Biển Đông trong chuyến thăm của Chủ tịch nước
Những vấn đề nảy sinh sẽ không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (19-21/6) là những vấn đề trên biển.
Giải quyết tranh chấp biển hòa bình
Một lần nữa, trong cuộc trao đổi tại Bắc Kinh, lãnh đạo cấp cao Việt - Trung tái khẳng định nghiêm túc thực hiện bản thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển ký năm 2011.
Với những tranh chấp, hai bên tiếp tục khẳng định cơ chế giải quyết "thông qua các biện pháp hòa bình", "trên cơ sở luật pháp quốc tế", tìm kiếm và trao đổi các giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Đặc biệt, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.
Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước có 21 loạt đại bác. |
Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tích cực triển khai các dự án đã thoả thuận liên quan các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Trong bản Tuyên bố chung, hai bên cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ..., kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được... Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Là vấn đề tồn tại do lịch sử để lại lớn nhất, khó khăn nhất và cũng "gai góc" nhất trong quan hệ song phương Việt - Trung, xét ở thời điểm, bối cảnh của chuyến thăm, những vấn đề trên biển được hai bên trao đổi theo tinh thần "nghiêm túc, thẳng thắn" là điều tích cực và cần thiết, đảm bảo sự chuyển động nhất định trong thực hành giải quyết tranh chấp.
Triển khai đối tác chiến lược
"Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" là văn kiện quan trọng trong 10 văn kiện được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước.
Khuôn khổ “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” vốn được thiết lập từ 2008 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Với Chương trình hành động mới vừa ký tại Bắc Kinh, hai bên có cơ sở làm cho nội hàm "đối tác chiến lược" hoàn thiện, qua đó triển khai cụ thể hợp tác trên tất cả lĩnh vực.
Theo đó, 13 hạng mục trọng tâm hợp tác chiến lược được đề ra cụ thể, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực.
5 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập đối tác chiến lược, hai bên đã ký một chương trình hành động triển khai, đưa ra 13 lĩnh vực hợp tác trọng tâm chi tiết. |
Tăng cường tin cậy chính trị một lần nữa được nhấn mạnh trong hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Quan hệ Việt-Trung từng đi qua những thăng trầm, nên xác lập, giữ vững, gia tăng sự tin cậy chính trị sâu sắc là điều tối trọng để quan hệ không ngừng tiến bước, trên mọi mặt.
Triển khai nội hàm "đối tác chiến lược", đáng chú ý trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Theo đó tăng cường phối hợp có các biện pháp hiệu quả và quyết liệt thúc đẩy thương mại hai nước vừa tăng trưởng ổn định, vừa giảm nhập siêu của Việt Nam, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 60 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015...
Thăm dò chung dầu khí trong Vịnh Bắc Bộ
Đáng chú ý nhất trong các văn kiện được ký kết là thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc trong khu vực xác định ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc.
Đây là thỏa thuận hợp tác thuần túy về kinh tế, trong một khu vực vùng biển đã được phân định đường biên, nằm trong Vịnh Bắc Bộ, không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác.
Theo Vietnamnet