Thói xấu của người dùng di động Việt
Hơn 10 năm tính từ thời điểm bùng nổ mạng di động, người dùng Việt đã là cộng đồng sử dụng có thâm niên, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những thói xấu khó bỏ.
SIM "rác" rẻ như cho dẫn đến nạn "xin đểu", lừa đảo và "nháy tặc" trên di động. |
Từ nháy máy cho tới "xin đểu"
Chưa có một thống kê cụ thể nào về lưu lượng các cuộc nháy máy phá quấy trong 1 ngày của tất cả các nhà mạng, nhưng có lẽ con số này cũng không hề nhỏ, bởi lẽ những đối tượng dạng này không phải là ít. Anh T.Long, khách hàng sử dụng mạng Viettel đã phải bỏ SIM đẹp đuôi 6868 của mình để chuyển sang SIM số 016 để bớt bị nháy.
Anh cho biết: "Mua được SIM đẹp bạn bè gọi đến thì ít mà kẻ vô ý thức nháy máy thì nhiều. Nhiều khi nháy vô học đến mức là để rung rất lâu, nhấc lên là một câu văng tục theo kiểu "Đ.M, sao SIM mày... đẹp thế". Gọi, báo tổng đài thì cũng như bắt cóc bỏ đĩa bởi một ngày không dưới 30 lần nháy máy kiểu này, dùng dịch vụ chặn số cũng không xuể vì chẳng ai có thời gian để cả ngày ngồi nhắn tin thông báo số nháy vào danh sách đen". Thực tế, tình trạng này chỉ bùng phát từ năm 2005 trở đi, khi viễn thông di động bùng nổ với mức cước giá rẻ.
Các đối tượng thực hiện hành vi nháy máy kiểu này, nếu nghiêm túc thì là những người đang muốn tìm SIM chưa sử dụng để mua, cứ nháy thử, nếu đầu bên kia bắt máy thì xin lỗi và dập. Còn những đối tượng vô công rồi nghề thì hoặc nháy máy theo "chỉ đạo" của chủ cửa hàng SIM nào đó nháy để người dùng bỏ SIM rồi nhân cơ hội cướp, hoặc đôi khi nháy chỉ để... nghe nhạc chờ hoặc nháy vì... số đẹp.
Lãnh đạo một nhà mạng cho biết: "Thực trạng nháy máy trong những năm gần đây đã giảm đi nhiều nhưng cũng vẫn tồn tại. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm ra phương án giải quyết triệt để cả bằng kỹ thuật lẫn hỗ trợ từ tổng đài viên". Tuy nhiên, có lẽ trong khi chờ một biện pháp mạnh tay hơn hay một dự thảo luật về tội quấy rối di động, có lẽ người dùng còn phải "sống chung với lũ" dài dài với đám "nháy tặc". “Nháy tặc” chưa dứt điểm, thì vài năm trở lại đây, những trò lừa đảo, xin đểu qua di động ngày một nhiều với con số lừa lên tới hàng chục triệu mỗi vụ.
Hết giả mạo thông báo trúng thưởng để bắt cào thẻ nạp, nhiều đối tượng còn "hung hãn" hơn khi giả mạo cả tin nhắn nạp tiền để lừa phỉnh người dùng với lý do... nạp nhầm máy. Chị Hồng, nhà ở Thanh Xuân cho biết: "Vừa sáng ra chuẩn bị đi làm thì có tin nhắn từ số 016xxx nhắn tới với nội dung thuê bao của tôi vừa nhận được tiền tặng từ số thuê bao này. Liền sau đó, có giọng thanh niên gọi tới xin lỗi vì dùng dịch vụ tặng tài khoản nhưng lại... gửi nhầm sang thuê bao tôi và yêu cầu xin lại số tiên 50.000 đồng vừa tặng.
May mà chồng làm trong nghề viễn thông nên gọi điện 'sạc' cho thằng lừa đảo một trận vì thuê bao của tôi là trả sau, làm sao có chuyện nhận tiền từ trả trước như vậy. Chứ nếu hôm đấy không biết có khi chạy ra ngoài mua thẻ cào để nạp trả vì đầu bên kia xưng 'em là sinh viên nghèo, 50.000 đồng với chị chẳng bao nhiêu nhưng với em là nhiều lắm'". Không riêng gì chị Hồng, khách hàng của các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều nhận những tin nhắn kiểu này và rất nhiều khách hàng đã "động lòng trắc ẩn" mà trúng kế bọn lừa đảo.
Bên cạnh những trò lố của người dùng vô ý thức thì bên cạnh đó hiện tượng sử dụng SIM rác để gọi chính là một nhân tố chính phát sinh ra các tệ nạn "nháy tặc", lừa đảo. SIM rẻ hơn thẻ, người dùng mua dễ dàng không cần đăng ký và từ đó thoải mái gọi rồi vứt đi hoặc kẻ gian lợi dụng để nháy máy, và trong khi đó, nhà mạng kêu... cháy kho số.
Điện thoại "xịn" nhưng xài đồ "lậu"
Khảo sát gần đây cho thấy, có tới 80% các smartphone cao cấp bán ra tại các cửa hàng di động tại Việt Nam đều được cài đặt phần mềm... không bản quyền. Hầu hết các thao tác này hoặc do người dùng tự cài, hoặc do chính nhân viên tư vấn bán máy cài theo yêu cầu của khách. Đó có thể là những ca khúc nhạc số, phim ảnh và cả những nội dung số như phần mềm, game dành cho di động. Thậm chí, nhiều người còn mặc nhiên cho rằng việc vi phạm này là đúng đắn và những ai không cài là... lạc hậu. Vì lẽ đó, những máy iPhone 4S trị giá hơn chục triệu đồng thì cũng chứa trong máy kho nội dung có giá trị tương đương, nhưng người dùng lại có được hoàn toàn miễn phí.
Bỏ hơn chục triệu mua điện thoại "xịn" nhưng tiếc vài chục nghìn cài phần mềm bản quyền. |
Theo anh Dương Minh Tuấn, GĐ công ty phần mềm lập trình di động cho biết: "Đơn vị tôi dồn tâm huyết để sản xuất nội dung thuần Việt cho di động, đưa lên các kho ứng dụng như AppStore, Google Play để rồi bán với giá hợp lý. Vậy nhưng, chỉ sau một vài hôm, đã thấy link chia sẻ phần mềm bị bẻ khoá để sử dụng miễn phí nhan nhản tại các diễn đàn Việt".
Tuy nhiên, tham là như vậy nhưng nhiều người chỉ thích cài cho "đẫy máy" chứ trên thực tế thì chẳng có nhu cầu dùng những nội dung này, chỉ là thấy hay hay thì cài thử. Lê Anh, sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương gãi tai phân trần: "iPhone giờ ai mua chả jailbreak, mà xong là cài cả vài chục game, ứng dụng vào cho vui nhưng mấy khi có thời gian đụng đến. Nhưng đã thành bệnh rồi, cứ cài càng nhiều game, càng nhiều ứng dụng đắt tiền... miễn phí thì mới thích".
Vậy là vô hình chung, chỉ để "cho vui", các khách hàng sử dụng điện thoại đắt tiền đã trở thành kẻ tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền mà theo ước tính thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Rõ ràng điện thoại di động là một thiết bị đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, thậm chí góp phần cải thiện chất lượng sống. Tuy nhiên, trước lượng thuê bao Việt "xấu xí" hiện đang chiếm số lượng không nhỏ cũng như thiếu các chế tài, luật định để xử phạt, quản lý thì điện thoại đang là những "vật gây án" bất đắc dĩ.
Theo Vietnamnet