Năm 1937, tạp chí Life đã cử một nhà báo đến Đại học Vassar với mục đích quan sát kỹ lưỡng cuộc sống của những sinh viên tại khu giàu có nhất ở Sussex, Anh. Bài báo phân tích cách ăn mặc của các sinh viên thuộc tầng lớp thượng lưu từ chuyến đi này sau đó đã thay đổi tư duy thời trang của nhiều phụ nữ Mỹ.
Theo The Wall Street Journal, những món đồ điển hình của phong cách preppy là trang phục vải tweed, áo len, áo polo và quần jeans. Tới năm nay, các thiết kế này đã được nhiều nhà mốt lăng xê trong bộ sưu tập mùa thu.
Phong cách của những sinh viên giàu có
Sức hút từ cách ăn mặc của các sinh viên trường tư thục lan tỏa mạnh mẽ đến mức nhiều thương hiệu đã tận dụng cơ hội này để lăng xê sản phẩm của mình. Nhà mốt Macy tung ra chiến dịch quảng cáo để thông báo cho người mua rằng các thiết kế tương tự luôn có sẵn tại cửa hàng. Nhiều thương hiệu khác cũng cho ra mắt những set đồ giống cách phối trang phục của các sinh viên giàu có.
Phong cách preppy bắt nguồn từ khuôn viên trường tư thục, nơi dành riêng cho con cái của các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu ở Mỹ. Ảnh: Ties. |
Phong cách preppy bắt nguồn từ tầng lớp thượng lưu. Theo thời gian, nó phát triển và dần trở thành một phần không thể thiếu trong thời trang đời thường. Trong những năm gần đây, xu hướng ăn mặc giống sinh viên trường tư thục thậm chí trở lại mạnh mẽ hơn và được Gen Z đón nhận.
Trên thực tế, lịch sử cho thấy trào lưu này từng tồn tại nhiều sắc thái. Ban đầu, xu hướng preppy bắt nguồn từ khuôn viên đại học vào những năm 1920.
Nó được tạo ra nhằm đáp ứng mong muốn của sinh viên là được ăn mặc giản dị, thoải mái hơn so với khuôn mẫu vốn có. Ngoài ra, các bộ đồ này cũng hướng đến tiêu chí tạo ra sự khác biệt. Thay vì mặc vest, các nam sinh sẽ tìm đến áo khoác vải và quần ống loe. Trong khi đó, những nữ sinh cũng từ chối các quy định trang phục thông thường.
Đến năm 1949, thương hiệu Brooks Brothers bán những thiết kế đầu tiên theo phong cách preppy dành cho phụ nữ. Nổi bật là mẫu áo khoác màu hồng bằng vải Oxford. Điều này được coi là một bước tiến trong giới thời trang.
Vào những năm 1950, phong cách preppy thêm nổi tiếng. Lúc này, các thay đổi nhất định cũng đã xuất hiện. Những chiếc áo kẻ sọc dần được ra mắt và thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Bước sang 1980, trào lưu này chính thức bùng nổ nhờ The Official Preppy Handbook (tạm dịch: Sổ tay chính thức về phong cách preppy). Cuốn sách từng bán được hơn một triệu bản này đã tạo cảm hứng để mọi người phối quần kaki cùng blazer kẻ sọc và buộc áo len qua vai.
Công nương Diana là một trong những biểu tượng của phong cách preppy. Ảnh: Grazia. |
Công thức phối đồ này vốn là độc quyền của tầng lớp thượng lưu vào năm 1950. Tuy nhiên, nó bắt đầu được phủ sóng mạnh mẽ hơn khi các thương hiệu Tommy Hilfiger, Calvin Klein và Lacoste bắt đầu sản xuất cho đại chúng.
Cuối những năm 1990, phong cách preppy trở nên gợi cảm. Hình ảnh Britney Spears với sơ mi buộc và váy xếp ly thậm chí từng tạo nên cơn sốt ở thời điểm đó.
Trở lại đúng thời điểm
The Guardian nhận định phong cách preppy đang đe dọa sẽ lật đổ ngôi vương của thời trang đường phố. Trong khi đó, Instyle khẳng định trào lưu này đang được tái sinh.
Phong cách preppy từng có thời gian "im hơi lặng tiếng". Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định nó sẽ luôn quay trở lại.
Gen Z là một trong những yếu tố giúp phong cách preppy hồi sinh. Ảnh: Vogue, Harper's Bazaar. |
Giới thời trang đã bắt đầu nhận ra sức hút mãnh liệt của phong cách preppy. Điều này thể hiện qua việc trang web RealReal vừa thông báo rằng mức độ tìm kiếm liên quan xu hướng này đã tăng 234% trong nửa đầu năm 2021. Cửa hàng trực tuyến Depop cũng ghi nhận mức tăng 57% với những từ khóa liên quan đến preppy.
Bên cạnh đó, các set đồ theo phong cách thượng lưu cũng xuất hiện trong những bộ phim như Gossip Girl, bản làm lại của The Talented Mr. Ripley.
Nhà thiết kế thời trang Jeffrey Banks nhận định phong cách preppy luôn giữ được sự phù hợp với người mặc. Trong bối cảnh các chuẩn mực đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, xu hướng này lại trở thành một biểu tượng của sự bền vững.