Chợ đông đúc nhất khoảng 8h tối, nhiều sinh viên ở xa cũng tìm đến những khu chợ này mua sắm. Chi, sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, dù ở cách Làng đại học hơn một tiếng đi xe nhưng Chi thường xuyên đến đến đây vì đồ đa dạng, hợp xu hướng và giá tương đối rẻ.
Dạo khắp khu chợ, rất khó để tìm thấy mặt hàng có giá trên 100.000 đồng, quần áo phổ biến ở mức giá trung bình 60.000 đồng, có mặt hàng chỉ ở mức 15.000 đồng. Bên cạnh những khách mua lẻ, một số chợ là nơi chuyên cung cấp hàng sỉ cho các cửa hàng và shop online.
Bạn Thảo, sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết, thường tới chợ Hạnh Thông Tây để lấy hàng về bán online. “Quần áo ở đây đa dạng và thay đổi mẫu mã phù hợp với xu hướng giới trẻ nên rất dễ bán. Mình thường trực tiếp đến để lựa đồ, mỗi quầy một vài mẫu có thể mở được một shop với đa dạng kiểu cách.”, Thảo cho biết.
Chị Trâm, chuyên cung cấp sỉ quần áo, cho biết, giá bình dân phù hợp với nhu cầu và tài chính của sinh viên. Sở dĩ quần áo có giá rẻ là do chị lấy mẫu và tự may, không tốn chi phí lấy qua nguồn nào khác.
Ngoài ra, sinh viên không quá chú trọng vào nhãn hiệu mà tập trung vào mẫu mã. Các bộ trang phục được cắt may theo xu hướng thịnh hành hoặc “ăn theo” các bộ phim Hàn nổi đình đám thì nhất định sẽ được ưa chuộng, chị Trâm nói thêm.
Quần áo giá rẻ tại chợ Hạnh Thông Tây thu hút sinh viên. Ảnh: Phạm Oanh |
Ngoài trang phục mới giá rẻ, nhiều sinh viên là tín đồ “săn” đồ si sẽ tìm đến chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) để tìm kiếm những món đồ độc, lạ khó thấy trong các shop đồ mới. Quần áo được phân loại, đồ còn mới được treo lên, đồ cũ hơn đổ thành đống và bán theo kí hoặc giá chỉ 1.000 đồng đến 5.000 đồng.
Quần áo bán theo kí được nhiều shop thời trang thu mua, gia công và bán lại. Chị Phương, từng bán đồ si cho biết, mỗi chiếc áo mua 5.000 đồng sau đó đem gia công lại mất thêm 15.000 đồng, bán ra ở mức giá trung bình 50.000 đồng, số tiền lời thu về khá cao.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên e ngại về độ an toàn của đồ si. Như, sinh viên ĐH Văn hóa cho biết: “Dù là tín đồ săn đồ si nhưng mình phải chọn đồ còn mới, khi mua về giặt và phơi nắng kĩ. Vì là đồ cũ nên thường không vệ sinh và dễ bị nấm mốc.”
Hầu hết chợ hoạt động vào buổi tối, lúc sinh viên không lên lớp và dành thời gian nghỉ ngơi, mua sắm. Chợ bắt đầu mở từ 4h chiều và kết thúc vào 11h đêm. Vào những ngày giáp Tết hay dịp lễ nghỉ, thời gian hoạt động kéo dài hơn.
Cô Liên, 6 năm bán quần áo tại chợ Hạnh Thông Tây cho biết, khách hàng đa số là sinh viên và công nhân. Có cả những người ở Long An, Biên Hòa cũng lên tận đây mua vì giá rẻ. Vào những ngày cận Tết, khách đến mua hàng đông, có khi chợ hoạt động đến hơn 12h mới đóng cửa.