Ảnh: Ron Lach/Pexels. |
Khi tới gặp Nicole Bassett, nhà đồng sáng lập Renewal Workshop, ở trụ sở chính của công ty tại Cascade Locks, Oregon, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhà máy lại nằm ở một vị trí thôn dã đến như vậy. Thị trấn với dân số chỉ nhỉnh hơn 1.000 người nằm ở hướng đông, cách Portland khoảng một giờ lái xe, thế tựa vào con sông Hood, xung quanh là những vạt rừng rộng mênh mông.
Tuy ở nơi hẻo lánh, nhưng Nicole và nhà đồng sáng lập khác là Jeff Denby đã xây dựng được một công ty có nhịp độ kinh doanh rất tốt trong lĩnh vực thời trang chỉ nhờ vào việc khai thác tài năng của người dân ở địa phương, làm việc với các thương hiệu lớn, và thiết kế ra một mô hình xuất sắc.
Renewal Workshop là một ví dụ tiêu biểu cho thấy các nhà cách tân dẫn đầu cuộc cách mạng mang tên tuần hoàn trong lĩnh vực thời trang đang đưa ra những bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng lĩnh vực này có thể loại bỏ một cách đáng kể những phương pháp lãng phí mà họ vẫn áp dụng lâu nay trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận.
Renewal Workshop làm việc với 20 thương hiệu thời trang, bao gồm The North Face, Carhartt, Eagle Creek, Mara Hoffman, và dòng thời trang cao cấp Cos của H&M, để sửa chữa lại các mặt hàng tồn kho của họ bị hư hỏng, chưa bán được, và các sản phẩm bị trả về. Nicole chia sẻ với tôi rằng thông lệ trong ngành thời trang là vứt bỏ hoặc thiêu hủy các sản phẩm bị hỏng hoặc bị trả về - kể cả những sản phẩm chỉ thiếu một chiếc cúc áo.
Các nhà sản xuất và nhà bán lẻ không có đủ nhân lực để sửa chữa hay làm sạch đồ bị trả về, vì thế lượng rác thải trong ngành này rất lớn, tạo ra những tổn thất không hề nhỏ cho các cổ đông. Nicole biết được tình trạng này, bởi vì trước đây cô từng đảm nhiệm vị trí quản lý trách nhiệm xã hội cho hãng thời trang Patagonia và nhiều vị trí khác trong ngành, và cô đã kinh hãi.
Rác thải sản phẩm và thiệt hại tài chính này là kết quả của các chuỗi cung ứng sản xuất lạc hậu được phát triển từ những năm 1960, 1970 và 1980 nhằm tận dụng chi phí nhân công rẻ mạt ở các thị trường đang phát triển.
Mỗi sản phẩm được gửi tới Renewal Workshop đều được kiểm tra cẩn thận, sau đó đưa đi giặt trong những chiếc máy sử dụng Tersus Solutions, một công nghệ giặt không dùng nước mà dùng CO2 lỏng trong một hệ thống vòng lặp kín có thể khôi phục chất lỏng đó để tái sử dụng.
Phương pháp làm sạch này cũng ít gây hại cho vải vóc hơn nhiều so với các công nghệ giặt thông thường. Sau đó, quần áo được các “kỹ thuật viên may vá” có tay nghề cao sửa chữa lại, sản phẩm nào không thể khôi phục đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của họ sẽ được gửi đi tái chế.
Hầu hết quần áo sau khi gia công lại sẽ được đưa ra thị trường thông qua kênh tái thương mại (Hay còn gọi là thương mại ngược, là thuật ngữ chỉ việc bán các sản phẩm trước đó đã có chủ sở hữu thông qua các kênh phân phối trực tiếp hoặc trực tuyến để người mua mang về sửa chữa nếu cần, sau đó tái sử dụng, tái chế, hoặc bán lại chúng) đến tay người tiêu dùng, chẳng hạn thông qua kênh bán đồ tân trang Renewed của The North Face.
Vì sao lại đặt trụ sở công ty ở một vùng hẻo lánh như Cascade Locks? “Tôi yêu thích những khoảnh khắc được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã”, Nicole giải thích, và chồng cô cũng có chung niềm đam mê này với cô.
Khi Nicole hay tin rằng một trong những nhà sản xuất ván lướt diều hàng đầu thị trường nằm không xa khu vực này (sông Hood là một thánh địa của môn lướt ván), cô nhận ra rằng mình cũng có thể đặt cơ sở cho một công ty thời trang ở đó mà không cần phải tìm nguồn lao động ở nước ngoài.
Nicole có lòng tôn kính đối với tự nhiên, bởi vì cô lớn lên ở vùng nông thôn thuộc tỉnh British Columbia, một nơi nằm giữa thiên nhiên hoang dã gần lãnh thổ của người Wet’suwet’en, một trong những dân tộc bản địa của Canada. Mẹ cô thường mua hàng hóa của người Wet’suwet’en và dẫn cô cùng đi tới các nhà tắm xông hơi trong vùng, ở đó cô học được rằng “mối quan hệ đan xen giữa người dân nơi đây và mảnh đất của họ tràn đầy sự tôn trọng”.
Như cô chia sẻ trong một buổi nói chuyện trên diễn đàn TED, sở dĩ cô quyết tâm tìm cách giảm bớt lượng rác thải trong ngành thời trang là bởi vì “chỉ bằng cách mặc quần áo buổi sáng nay, tất cả chúng ta đều đã tham gia vào hành vi phá hủy Trái đất”.
Cũng chính sứ mệnh giải bài toán rác thải trong ngành thời trang và mở ra những giá trị to lớn cho các công ty đứng đằng sau góp phần thúc đẩy cuộc dịch chuyển này là động lực để Caroline Brown quyết định gia nhập đội ngũ Closed Loop Partners chúng tôi trên cương vị giám đốc điều hành.
Là một người có thâm niên trong ngành, với hơn hai thập niên kinh nghiệm, trong đó có cả kinh nghiệm giữ vị trí CEO của Donna Karan, Carolina Herrera, và Akris nhận thức rất rõ về những cơ hội giúp thay đổi diện mạo của lĩnh vực thời trang. Cô lớn lên ở Thành phố New York và thích cập nhật tất cả những xu hướng thời trang mới, từ những chiếc quần họa sĩ nhiều màu cho đến những chiếc áo phông in logo hình thiên thần Fiorucci và những bộ quần áo mang hơi hướm cổ điển.
Cô chia sẻ rằng điều mà cô cảm thấy hấp dẫn ở trang phục “không nằm ở bản thân thời trang, mà ở khả năng của thời trang trong việc phản ánh nền văn hóa, những khoảnh khắc trong thời gian, những giá trị của con người”.
Caroline bắt đầu sự nghiệp với 10 năm làm việc tại Giorgio Armani, và ngay sau khi bước chân vào lĩnh vực này, cô đã nhanh chóng bị thu hút bởi những sự phức tạp trong hoạt động kinh doanh của nó. Cô cho biết: “Để vận hành một công ty thời trang, cần phải làm rất nhiều việc cùng lúc, và cần phải làm một cách hoàn hảo, với sự cân bằng hoàn hảo giữa một bên là sự sáng tạo với một bên là tính kỷ luật trong kinh doanh”.
Cô là người chứng kiến tận mắt quá trình nhà sáng lập Armani gây dựng nên đế chế của mình - mà theo cô, ba yếu tố quan trọng ở đây là “tầm nhìn kinh doanh phi thường, tinh thần kỷ luật, và sự bền bỉ” - biến công ty thời trang của ông trở thành một trong những đại thương hiệu đầu tiên trên thế giới cung cấp tất cả mọi thứ, từ trang phục cao cấp cho đến quần áo trẻ em, đồ jeans, đồ gia dụng, nhà hàng cao cấp và chocolate.