Theo thời gian, làn da trải qua quá trình lão hóa tự nhiên do sự lỏng lẻo của các cơ, cấu trúc nâng đỡ. Những tác nhân bên ngoài như tia UV, khói bụi ô nhiễm, chất độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến vẻ ngoài tươi trẻ của da. Ngoài ra, có những thói quen trong cuộc sống hàng ngày góp phần gia tăng tốc độ lão hóa da, theo Eat This.
Lão hóa da đến nhanh hơn thông qua các thói quen kém lành mạnh hàng ngày. Ảnh: Women's Health. |
Ăn nhiều đường
Theo Viện Da liễu Mỹ (American Academy of Dermatology), chế độ ăn uống chứa nhiều đường hoặc các loại carbohydrate tinh chế có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Dung nạp nhiều đường, đồ ngọt hay đồ uống như soda, nước trái cây tổng hợp khiến hàm lượng hormone insulin tăng cao. Từ đó, dẫn đến những phản ứng viêm. Tình trạng viêm sản sinh enzyme phá vỡ collagen và elastin - các thành phần tham gia vào cấu trúc nâng đỡ của da.
Mặt khác, đường được tiêu hóa gắn vào collagen thông qua quá trình glycation. Glycation thúc đẩy lão hóa da, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng mụn hay kích ứng hiện có.
Để làn da được khỏe mạnh hơn, bạn nên tránh đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh đó, lưu ý đến lượng đường bổ sung hiển thị trên nhãn bao bì các loại thực phẩm bạn mua.
Đồ ngọt mang đến cảm giác ngon miệng nhưng nếu ăn nhiều sẽ mang đến nhiều tác hại cho làn da và sức khỏe. Ảnh: Blissmark. |
Thiếu ngủ
Khi ngủ, cơ thể chúng ta trải qua quá trình phục hồi, tái tạo nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm làn da. Giấc ngủ chất lượng tốt, đủ thời lượng 7-8 tiếng mỗi đêm có tác dụng tăng khả năng phục hồi hàng rào bảo vệ da.
Trang Glamour cho biết collagen là chìa khóa để duy trì làn da căng mọng, mịn màng. Một khi bạn chìm vào giấc ngủ, cơ thể bắt đầu sản xuất các hormone tăng trưởng. Hormone tăng trưởng thúc đẩy sản sinh collagen, giúp da luôn căng và săn chắc, đồng thời cho phép làn da phục hồi mụn và sẹo.
Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol (hormone căng thẳng), khiến làn da rơi vào trạng thái dễ bị viêm nhiễm. Điều này nghĩa là da sẽ trông mệt mỏi, nhợt nhạt và hình thành bọng mỡ quanh mắt. Bằng cách ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, bạn có thể ngăn ngừa các triệu chứng này xuất hiện.
Uống nhiều bia rượu
Việc lạm dụng đồ uống chứa cồn trong thời gian dài khiến bạn nhanh già từ trong ra ngoài. Rượu làm mất nước trên da và gây viêm, dẫn đến hiện tượng đỏ bừng, sưng tấy trên mặt. Nó cũng làm tổn thương tim, ngăn cản quá trình giải độc, xử lý chất béo và carbs.
Rượu là một chất lợi tiểu. Uống nhiều rượu dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu, làm cơ thể và làn da bị mất nước. Da sẽ trở nên khô, bong tróc và nếp nhăn lộ rõ trên mặt.
Uống rượu ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Điều này góp phần gây gián đoạn chu kỳ tái tạo da diễn ra trong lúc ngủ. Sự sản sinh các tế bào da mới, collagen bị giảm sút. Từ đó, da trông xỉn màu, kém sức sống.
Uống bia rượu nhiều khiến các dấu hiệu lão hóa da sớm xuất hiện. Ảnh: Plastic Surgery Channel. |
Ít vận động
Trong mùa dịch bệnh, rèn luyện sức khỏe bằng việc ăn uống đầy đủ, tập luyện thể chất là điều cần thiết.
Nếu dung nạp nhiều năng lượng thông qua thực phẩm nhưng ít vận động, cơ thể bạn sẽ dễ bị tăng cân, thừa mỡ. Ngoài ra, làn da cũng không nhận được lợi ích từ việc tập thể dục mang lại.
Khi nhịp tim tăng lên thông qua tập luyện, mạch máu mở rộng để bơm nhiều máu hơn đi khắp cơ thể. Từ đó, cải thiện sự lưu thông oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan, bao gồm làn da của bạn.
Để giữ cho tim, não và khả năng miễn dịch ở trạng thái tốt nhất, cũng như ngừa lõa hóa sớm, hãy tập thể dục hàng ngày với cường độ vừa phải. Viện Da liễu Mỹ cho biết: "Tập thể dục vừa phải giúp cải thiện tuần hoàn, tăng cường hệ miễn dịch. Tập thể dục còn mang lại vẻ ngoài trẻ trung cho làn da".